Ngày 21-3 (giờ Washington), Mỹ áp đặt trừng phạt đối với 2 công ty tàu biển Trung Quốc với cáo buộc hỗ trợ CHDCND Triều Tiên né tránh các biện pháp trừng phạt của Washington. Theo đó, Công ty TNHH quốc tế Đại Liên Haibo và Công ty TNHH giao nhận quốc tế Liêu Ninh Danxing bị ngăn chặn tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ và bị phong tỏa tất cả tài sản ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hãng Reuters cho biết, đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với CHDCND Triều Tiên được Mỹ áp đặt kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào cuối tháng 2-2019. Các cá nhân và công ty giao dịch với 2 công ty nói trên cũng có thể đối mặt với hình phạt của Mỹ. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố danh sách tư vấn cập nhật 67 tàu, thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt được đưa ra trước đó.
Trên mạng Twitter, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton viết: “Ngành công nghiệp hàng hải phải nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp của CHDCND Triều Tiên”.
Mỹ hiện vẫn đi đầu trong các nỗ lực của quốc tế nhằm buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Nhà Trắng khẳng định, lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ là bằng chứng về việc Washington vẫn duy trì áp lực với Triều Tiên, để buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Về phía Trung Quốc, nước này đã gửi công hàm phản đối việc Mỹ trừng phạt Công ty TNHH quốc tế Đại Liên Haibo và Công ty TNHH Liêu Ninh Danxing.
Trong khi đó, ngày 22-3, CHDCND Triều Tiên bất ngờ rút khỏi Văn phòng liên lạc chung liên Triều đặt ở thành phố biên giới Kaesong. Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) lập tức nhóm họp để thảo luận về động thái này.
PHÚC NGUYÊN