New Zealand đoàn kết trong nỗi đau

.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cam kết nghi phạm xả súng vào hai đền thờ ở thành phố Christchurch cuối tuần qua sẽ đối mặt với toàn bộ sức mạnh của luật pháp và kêu gọi người dân chia sẻ nỗi đau mất mát với cộng đồng Hồi giáo.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern an ủi một tín đồ Hồi giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Kilbirnie ở Wellington. 					Ảnh: Getty Images
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern an ủi một tín đồ Hồi giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Kilbirnie ở Wellington. Ảnh: Getty Images

“New Zealand đoàn kết trong nỗi đau” là phát biểu của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khi đến thành phố Christchurch sau khi xảy ra vụ xả súng kinh hoàng vào hai đền thờ Hồi giáo làm 50 người chết và 50 người khác bị thương. Giờ đây, nhà lãnh đạo này muốn thông điệp này lan tỏa khi lễ an táng các nạn nhân diễn ra vào ngày 19-3 theo nghi thức của người Hồi giáo. Bà nói rằng, New Zealand - một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới - ở bên cạnh cộng đồng Hồi giáo trong “những ngày đen tối nhất” này.

Trong cuộc họp đặc biệt của Quốc hội New Zealand ngày 19-3, Thủ tướng Ardern đã dùng câu chào bằng tiếng Arab “Al-Salaam Aleikum” (tạm dịch: Hòa bình phụ thuộc vào bạn). Bà nói rằng không muốn nhắc đến tên của kẻ xả súng bởi không thể để cho nghi phạm đạt được điều mà hắn muốn, đó là sự nổi tiếng. “Tôi mong quý vị nhắc đến tên của những người thiệt mạng hơn là tên của kẻ đã lấy đi mạng sống của họ. Hắn là một tên tội phạm, một kẻ cực đoan. Khi tôi nhắc đến hắn, hắn sẽ chỉ là kẻ vô danh”, bà Ardern nhấn mạnh.

Thủ tướng Ardern cam kết nghi phạm xả súng vào hai đền thờ ở thành phố Christchurch cuối tuần qua sẽ đối mặt với toàn bộ sức mạnh của luật pháp. Cảnh sát cho hay, mới 6 thi thể được bàn giao cho gia đình. Giới chức New Zealand sẽ bàn giao tất cả thi thể nạn nhân còn lại cho gia đình vào ngày 20-3 mặc dù theo truyền thống của người Hồi giáo, thi thể cần được làm sạch và an táng trong vòng 24 giờ. Cảnh sát ở Christchurch cho hay, chỉ 12/50 nạn nhân được nhận dạng đầy đủ. Song, việc bàn giao này có thể chậm trễ vì đến nay chỉ 12/50 nạn nhân được nhận dạng. “Chúng tôi đang làm mọi điều có thể để thực hiện nhận dạng càng nhanh càng tốt và đưa nạn nhân trở về với những người thân yêu”, thông báo của cảnh sát nêu rõ.

Nghi phạm Brenton Tarrant (28 tuổi), huấn luyện viên cá nhân đến từ thị trấn Grafton ở New South Wales (Úc), sẽ phải trở lại tòa vào ngày 5-4 để đối mặt thêm nhiều cáo buộc khác, ngoài tội giết người. Tarrant đang bị giam giữ tại một cơ sở ở Christchurch. Thời gian gần đây, trước khi thực hiện hành động xả súng, Tarrant sống ở Dunedin, cách Christchurch 350km.

Theo hãng tin AP, vụ tấn công cho thấy sự thất bại của lực lượng an  ninh và tình báo. Tarrant không có tên trong danh sách theo dõi khủng bố của cả New Zealand lẫn Úc. Y đã lên kế hoạch trong 3 tháng qua; thậm chí còn gửi thư điện tử (email) như một “tuyên ngôn” đến Văn phòng Thủ tướng chỉ 9 phút trước khi xả súng vào đền thờ Al Noor. Giờ đây, cảnh sát phát hiện Tarrant là phần tử cực đoan theo đường lối cánh hữu, ủng hộ khủng bố, thù hận người Hồi giáo nhập cư ở châu Âu và ủng hộ tư tưởng “người da trắng thượng đẳng”.

Thủ tướng Ardern khẳng định, cuộc điều tra với sự tham gia của hơn 250 cảnh sát New Zealand và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Cảnh sát Liên bang Úc đang được tiến hành. Theo đó, các nhà điều tra xem xét những gì các cơ quan chính phủ “đã biết, có thể biết hoặc nên biết” về nghi phạm và liệu có thể ngăn chặn vụ tấn công hay không.

Cũng trong ngày 19-3, Thủ tướng Ardern cho biết, New Zealand sẽ điều chỉnh luật sở hữu súng và công bố chi tiết sửa đổi trong một vài ngày tới. Trong lúc đó, luật sở hữu súng của New Zealand đang gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng, những quy định lỏng lẻo về sở hữu súng đạn là yếu tố khiến nghi phạm Tarrant gây ra vụ thảm sát chưa từng có tại quốc gia này trong 30 năm qua.

Hà Lan bắt nghi phạm xả súng thứ ba

Ngày 19-3, cảnh sát Hà Lan bắt giữ nghi phạm thứ ba liên quan vụ xả súng ở thành phố Utrecht làm 3 người chết và 5 người khác bị thương. Cả ba đối tượng đang bị tạm giam, trong đó có Gokmen Tanis (37 tuổi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ). Tanis bị bắt vào tối 18-3, vài giờ sau khi vụ xả súng xảy ra.

Quốc kỳ Hà Lan được treo rủ tại các tòa nhà của chính phủ trên khắp đất nước vào ngày 19-3. Thủ tướng Mark Rutte nói rằng, vẫn không loại bỏ động cơ khủng bố trong vụ việc này. Công tố viên cấp cao của Utrecht, ông Rutger Jeuken cho hay, nguyên nhân có thể do mâu thuẫn gia đình. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đặt nghi vấn về tư tưởng chính trị cực đoan dẫn đến hành động bạo lực của Tanis.

Utrecht là thành phố lớn thứ tư của Hà Lan với khoảng 340.000 dân. Những vụ giết người bằng súng rất hiếm khi xảy ra ở đây cũng như ở các thành phố khác của quốc gia châu Âu này.

l Cũng trong ngày 19-3, một đối tượng dùng dao tấn công làm bị thương một giáo viên và 3 nhân viên khác tại một trường học ở thủ đô Oslo của Na Uy. Lực lượng an ninh đã bắt giữ nghi phạm.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.