Người có tác động lớn đến kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2 lộ diện?

.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ vẫn luôn được nhắc tới như một nhân vật quan trọng có thể đã gây áp lực nhất định lên Triều Tiên.

Ông Bolton xuất hiện tại cuộc họp mở rộng song phương giữa phái đoàn Mỹ-Triều. (Ảnh: Reuters)
Ông Bolton xuất hiện tại cuộc họp mở rộng song phương giữa phái đoàn Mỹ-Triều. (Ảnh: Reuters)

Vài ngày trước khi Tổng thống Trump gặp lãnh đạo Kim Jong-un tại khách sạn Metropole, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gây bất ngờ khi có mặt tại Hà Nội dù trước đó tên của ông không có mặt trong danh sách các quan chức tháp tùng Tổng thống Trump trong chuyến công du tới Việt Nam của nhà lãnh đạo Mỹ. 

Vào tối 27-2, khi 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều dùng bữa, ông Bolton đã không có mặt. Tuy nhiên, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun người từng dẫn dắt cuộc đàm phán chưa từng có tiền lệ giữa Washington và Bình Nhưỡng tại Singapore vào tháng 6-2018 cũng không có mặt trên bàn tiệc tối hôm đó.

Sự vắng mặt của ông Biegun khiến một số người tỏ ra bất an. Tới sáng 28-2, nhiều người trở nên lo lắng hơn khi ông Bolton ngồi vào bàn đàm phán, trực tiếp thương thảo với phái đoàn Triều Tiên trong phiên họp mở rộng. Ông Biegun trong khi đó ngồi ở một chiếc ghế đặt cách bàn đàm phán gần 2m, dõi theo diễn biến các cuộc thảo luận từ xa.

"Điều gì đó đã xảy ra. Khi chúng tôi nhìn thấy ông Bolton ngồi trên bàn và ông Biegun ngồi phía sau, mọi thứ có vẻ như không ổn", Christine Ahn, một nhà hoạt động vì hòa bình, sáng lập viên tổ chức Women Cross DMZ nói.

Lịch trình Thượng đỉnh Mỹ-Triều bất ngờ bị cắt ngắn, không có lễ ký kết thỏa thuận chung và bữa trưa bất ngờ bị hủy bỏ. Một số nhà quan sát cho rằng diễn biến này có thể có liên quan tới sự xuất hiện của ông Bolton, một người nổi tiếng là có quan điểm ngoại giao cứng rắn với Triều Tiên và không mấy hứng thú với các thỏa thuận quốc tế.

"Ông ấy từng nói rõ là ông ấy không tin vào các thỏa thuận quốc tế. Ông cũng là người có lịch sử đấu tranh vì những điều mà ông ấy không tin tưởng. Không may, những gì mà chúng ta đang nhìn thấy chính xác là những gì mà chúng ta lo sợ", cựu Thượng nghị sĩ John Tierney cho biết.

Không rõ tiếng nói của ông Bolton đã ảnh hưởng thế nào tới bức tranh toàn cuộc ở Hà Nội nhưng một số giả thiết đang được đặt ra.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS ngày 28-2, cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, Jeong Se-hyun cho rằng có thể ông Bolton đã yêu cầu Triều Tiên phải làm rõ về số vũ khí hạt nhân mà nước này đang sở hữu cũng như thông tin về kho dự trữ sinh học và hóa học của Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán.

Trước đó, trong buổi họp báo vào rạng sáng 1-3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết Bình Nhưỡng đã đề xuất ngừng thử nghiệm tên lửa hạt nhân và tầm xa vĩnh viễn, dỡ bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất hạt nhân và đồng ý để cho chuyên gia Mỹ vào thanh sát nếu Washington gỡ bỏ lệnh cấm vận làm ảnh hưởng tới kinh tế và cuộc sống của người dân Triều Tiên, nhưng Mỹ lại yêu cầu Bình Nhưỡng phải có thêm một vài bước đi ngoài việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Bà Catherine Killough tới từ Quỹ Ploughshares cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ không di chuyển tới hơn 4.500 km bằng tàu hỏa tới Hà Nội mà không chuẩn bị những đề xuất thiết thực.

"Tuy nhiên, có vẻ ông Bolton không muốn đi tới một thỏa thuận với Triều Tiên. Nếu ông ấy vẫn còn liên quan tới quá trình này, rất khó có thể đoán định được mọi thứ", bà này cho hay.

Trước hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Singapore, ông Bolton nhiều lần nhắc tới việc áp dụng "mô hình Libya" đối với Triều Tiên. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng dọa hủy tham gia sự kiện lịch sử này không lâu trước khi ông Trump và ông Kim chính thức gặp mặt.

Vài tháng trước đó, khi Bình Nhưỡng và Triều Tiên bắt đầu bước vào quá trình hòa giải vào tháng 2-2018, ông Bolton bất ngờ đưa ra tuyên bố “Mỹ hoàn toàn có lí do chính đáng để tấn công phủ đầu khi đối mặt với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên” trong bài bình luận đăng trên Wall Street Journal.

"Với ông Bolton ngồi trên bàn, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu Tổng thống Trump chọn chủ nghĩa tối đa thay vì chủ nghĩa gia tăng", Erica Fein, Giám đốc chính sách của chương trình Win Without War thuộc Trung tâm Chính sách quốc tế Steven Miles nhận định.

Bà Erica và nhiều chuyên gia tỏ ra tiếc nuối về việc Mỹ và Triều Tiên đã không thể tiến tới một thỏa thuận được cả thế giới mong đợi tại Hà Nội. Nhưng ông Daniel Wertz, chuyên gia về Triều Tiên cho rằng không nên đưa ra viễn cảnh bi quan.

"Dù ông Trump và ông Kim đã rời khỏi bàn đàm phán nhưng điều đó không đốt cháy cây cầu mà họ xây dựng", ông này cho biết.

"Cả 2 bên đều tỏ ra thiện chí. Câu hỏi giờ đây là trong vài tuần tới và vài tháng tới là liệu 2 bên sẽ giữ nguyên trạng thái hiện tại hay tìm cách thu hẹp khoảng cách và bắt đầu tạo ra các tiến triển", chuyên gia này nói thêm.

Theo VOV

 

;
;
.
.
.
.
.