Nguy cơ xung đột Ấn Độ - Pakistan hiện hữu

.

“Cử chỉ hòa bình” của Pakistan khi phóng thích một phi công của Ấn Độ không đủ xoa dịu căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng. Các nhà quan sát cảnh báo, xung đột lớn giữa Pakistan và Ấn Độ có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Trẻ em Ấn Độ vui mừng khi phi công Abhinandan Varthaman được Pakistan phóng thích.   								Ảnh: Reuters
Trẻ em Ấn Độ vui mừng khi phi công Abhinandan Varthaman được Pakistan phóng thích. Ảnh: Reuters

Hãng AFP cho biết, ngày 2-3, binh sĩ Ấn Độ và Pakistan tiếp tục nhắm vào các vị trí quân sự và làng mạc của đối phương dọc ranh giới kiểm soát (LoC) chia cắt Kashmir, khiến ít nhất 7 dân thường chết, bất chấp việc Islamabad trước đó có “cử chỉ thiện chí” mở cửa lại không phận, trao trả phi công Abhinandan Varthaman bị bắt giữ trong 60 tiếng đồng hồ cho phía Ấn Độ. Như vậy, kể từ khi căng thẳng bùng phát ở biên giới kể từ đầu tuần trước, đến nay có ít nhất 12 dân thường thiệt mạng. Ngày 3-3, giao tranh tái diễn.

Trong lúc đó, một bộ trưởng Ấn Độ cho biết, chính phủ New Delhi sẽ không chia sẻ bằng chứng về việc nhiều chiến binh bị tiêu diệt trong các cuộc không kích ở thị trấn Balakot, phía đông bắc Pakistan hồi tuần qua. Ấn Độ gọi Balakot là căn cứ của các chiến binh nhưng Pakistan cho rằng, không có căn cứ của phiến quân Hồi giáo ở đây.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân gia tăng sau khi máy bay Ấn Độ không kích bên trong lãnh thổ Pakistan hôm 26-2. Pakistan sau đó đáp trả, bắn hạ một máy bay Ấn Độ và bắt giữ phi công Abhinandan. Thực chất, căng thẳng leo thang nhanh chóng sau vụ đánh bom xe liều chết vào ngày 14-2 ở khu vực biên giới Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, làm ít nhất 40 thành viên lực lượng bán vũ trang của nước này thiệt mạng. New Delhi cáo buộc Pakistan chứa chấp nhóm Hồi giáo Jaish-e Mohammad (JeM) - tổ chức đã nhận trách nhiệm về vụ việc này. Mục tiêu của JeM là giải phóng khu vực do Ấn Độ kiểm soát.

Ngày 2-3, không quân và hải quân Pakistan vẫn đặt trong tình trạng báo động. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi nói rằng, các vấn đề giữa nước ông và Ấn Độ nên được giải quyết thông qua các kênh đối thoại và ngoại giao. “Hòa bình là ưu tiên của chúng tôi và chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh với Ấn Độ”, ông Qureshi nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Pakistan đang chủ động giảm căng thẳng và xoa dịu tình hình.

Pakistan tách ra khỏi Ấn Độ vào năm 1947. Cũng từ đó, Ấn Độ - nơi có đa số người theo đạo Hindu sinh sống và Pakistan - nơi có đa số người Hồi giáo sinh sống đã xung đột ở khu vực tranh chấp Kashmir 3 lần, chưa kể các cuộc giao tranh nhỏ lẻ. Các vụ đụng độ trong những ngày qua đánh dấu giao tranh khốc liệt nhất giữa hai nước kể từ năm 1999, thời điểm có hàng nghìn người thương vong.

Vùng Kashmir đang “căng như dây đàn”, khiến thế giới lo ngại nguy cơ chiến tranh toàn diện vì Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Ấn Độ rót 58 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, trong khi Pakistan chỉ chi 11 tỷ USD. Song, hai nước có kho vũ khí hạt nhân tương đương. Ấn Độ có 130-140 đầu đạn hạt nhân, Pakistan sở hữu 140-150 đầu đạn hạt nhân. Mỗi bên đều từng thử vũ khí nguyên tử và các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với thông điệp rằng, họ sẵn sàng sử dụng những vũ khí này nếu cần thiết.

Theo các nhà lãnh đạo Pakistan, để giảm căng thẳng, quả bóng hiện ở trong sân của Ấn Độ. Các nhà quan sát cho rằng, xung đột lớn có thể bùng phát bất kỳ lúc nào nhưng cũng có những quan điểm ngược lại. GS. Christine Fair về Khoa học chính trị tại Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định với hãng Global News rằng, chiến tranh toàn diện giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ không xảy ra. Bà Fair đánh giá, cả hai chính phủ đều thận trọng, tránh để căng thẳng leo thang thành xung đột hạt nhân nhưng một vụ tấn công khủng bố khác sẽ có thể làm chệch hướng những nỗ lực xoa dịu tình hình.

GS. Narendra Subramanian ở Đại học McGill (Canada) cho rằng, căng thẳng nói trên có lợi cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc tái tranh cử. “Đảng cầm quyền Ấn Độ đang tận dụng điều này để tuyên truyền chiến dịch tranh cử”, GS. Subramanian nói với hãng Global News.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.