Sự thật về cái chết bi thảm của ông vua Rock&Roll Elvis Presley

.

Cái chết của danh ca từng làm “điên đảo” thế giới với những điệu Rock&Roll đã không xảy ra như những gì được công bố.

Elvis Presley trong buổi biểu diễn vào tháng 6/1977, một trong những chương trình cuối cùng của anh. Ảnh: Getty Images
Elvis Presley trong buổi biểu diễn vào tháng 6-1977, một trong những chương trình cuối cùng của anh. Ảnh: Getty Images

Khoảng 2h30 phút chiều ngày 16-8-1977, nữ diễn viên Ginger Alden đi vòng vòng khắp Graceland để tìm kiếm vị hôn phu nổi tiếng của cô, Elvis Presley. Ông hoàng nhạc Rock&Roll chuẩn bị tới giờ khởi hành tour diễn mới nhất, nhưng Alden thì không thấy anh đâu cả và càng lúc càng lo lắng.

Alden không nhận thấy một dấu vết nào của Presley cho đến khi cô thấy cửa phòng tắm bị nứt hổng. Nhìn qua khe nứt, Alden chết lặng người khi thấy cảnh tượng bên trong.Trong cuốn hồi ký Alden kể lại: “Trông như thể toàn bộ cơ thể Elvis đã đông cứng lại trong tư thế ngồi khi đang với đến hộc tủ rồi ngã về phía trước”. Alden lao tới và phát hiện Elvis vẫn còn thở, mặc dù “gương mặt anh đã ngả tím”, “mắt thì trợn ngược lên trên và vằn máu đỏ”.

Một chiếc xe cứu thương lập tức đưa siêu sao bất tỉnh tới Bệnh viện Baptist Memorial ở Memphis, bang Tennessee. Các bác sĩ đã nỗ lực hồi tỉnh nạn nhân nhưng thất bại. Elvis Presley được thông báo tử vong vào lúc 3h30 chiều, khi anh mới 42 tuổi.

Elvis Presley và hôn thê Ginger Alden.
Elvis Presley và hôn thê Ginger Alden.

Nhưng một câu hỏi lớn gây tranh cãi vẫn phủ bóng lên cái chết của anh kể từ đó đến nay: Điều gì thực sự khiến Elvis Presley tử vong?

Tin về cái chết của Elvis Presley lan ra toàn thế giới. Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter tuyên bố danh ca “đã vĩnh viễn thay đổi bộ mặt văn hóa đại chúng Mỹ”, trong khi gần 100.000 người hâm mộ có mặt trong lễ tang anh. Nhưng hỗn loạn đã xảy ra ngay khi nguyên nhân cái chết thần tượng của họ được công bố.

Ngay trong buổi chiều sau khi Elvis qua đời, có ba bác sĩ đã lần lượt khám nghiệm tử thi, gồm Eric Muirhead, Jerry Francisco và Noel Florredo. Trong khi cuộc kiểm tra phải còn 2 tiếng nữa mới hoàn tất thì bác sĩ Francisco đã tự đưa ra thông báo với báo chí. Ông tuyên bố các kết quả khám nghiệm tử thi sơ bộ cho thấy danh ca tử vong vì “loạn nhịp tim” (do một cơn đau tim) và không có bằng chứng cái chết của anh liên quan đến ma túy.

Trên thực tế, đó không phải là câu trả lời đầy đủ cho cái chết của ông vua Rock&Roll. Kết luận khám nghiệm tử thi vẫn chưa được đưa ra khi bác sĩ Francisco tuyên bố như vậy và không ai trong hai bác sĩ còn lại nhất trí với thông báo của ông ta.

Thi thể Elvis Presley được đưa vào Lăng tổ chức tang lễ ở Memphis, Tennessee. Ảnh: Getty Images
Thi thể Elvis Presley được đưa vào Lăng tổ chức tang lễ ở Memphis, Tennessee. Ảnh: Getty Images

Mặc dù hành động của Francisco đáng ngờ, nhưng cũng có lý do để tin rằng ma túy không liên quan và tình trạng sức khỏe giảm sút có thể đã hạ gục Presley. Ở thời điểm đó, Elvis Presley bị thừa cân. Anh rất khoái khẩu món sandwich nướng kẹp chuối và bơ lạc cùng nhiều món đồ ăn không lành mạnh khác. Presley được chẩn đoán mắc nhiều bệnh như tiểu đường, huyết áp cao và tăng nhãn áp. Chế độ ăn không lành mạnh đã góp phần dẫn đến tình trạng sức khỏe kém của Presley, nhưng bên cạnh đó còn một lý do khác.

Chỉ vài tuần trước cái chết của Presley, ba trong số các cựu vệ sĩ của anh đã cho xuất bản cuốn sách “Elvis, What happened?” (Elvis, chuyện gì đã xảy ra?”), trong đó họ tiết lộ ngôi sao bị nghiện ma túy tổng hợp amphetamine.

Thi thể Elvis Presley được đưa vào Lăng tổ chức tang lễ ở Memphis, Tennessee. Ảnh: Getty Images
Thi thể Elvis Presley được đưa vào Lăng tổ chức tang lễ ở Memphis, Tennessee. Ảnh: Getty Images

Khi báo cáo độc chất cuối cùng được đưa ra thì có vẻ như các bác sĩ đã cố gắng che đậy về cái chết của ngôi sao. Kết quả cho thấy vào thời điểm Presley chết, máu của anh chứa hàm lượng Dilaudid, Percodan, Demerol, codein cao và 10 loại thuốc đáng ngại khác. Sau đó, bác sĩ Francisco đã tổ chức họp báo riêng và cố gắng làm chệch hướng những câu hỏi xoay quanh các loại thuốc, theo yêu cầu của các thành viên gia đình Presley, những người quyết tâm giữ bí mật việc anh sử dụng ma túy.

Presley lần đầu tiên dính vào nghiện amphetamine ở tuổi đôi mươi. Những chất này là hợp pháp ở Mỹ cho đến năm 1965. Do bị chứng mất ngủ, Presley cũng sớm dùng thuốc chống trầm cảm để giúp anh ngủ vào ban đêm. Vào cuối thập niên 1960, Presley đã hoàn toàn phụ thuộc vào các loại thuốc để duy trì sự tỉnh táo trước những buổi biểu diễn trực tiếp và thiếp đi vào ban đêm. Tình trạng này thậm chí còn nặng nề hơn do sự tiếp tay của một bác sĩ không có tâm.

Năm 1967, lần đầu tiên Presley gặp Tiến sĩ George C. Nichopoulos, còn được gọi là bác sĩ Nick khi ông ta điều trị cho anh những vết loét. Nichopoulos nhanh chóng trở thành bác sĩ riêng của Presley, đến ở cùng anh ở Las Vegas và là người cung cấp cho Presley các loại thuốc kích thích và thuốc ức chế thần kinh barbiturat có thể gây nghiện.

Sau này Nichopoulos giải thích rằng vấn đề của Presley là anh không thấy có gì sai trái. Ngôi sao cảm thấy rằng bằng cách nhận ma tuý từ một bác sĩ, anh không phải là những người nghiện hàng ngày thường gặp ngoài đường. Cứ như vậy từ năm 1975 đến 1977, bác sĩ Nichopoulos đã viết đơn kê 19.000 liều thuốc cho Presley. Trong đó, chỉ từ tháng 1 đến tháng 8-1977, ông ta đã kê hơn 10.000 liều.

Ba năm sau cái chết của Presley, Nichopoulos bị treo giấy phép hành nghề y. Năm 1981, ông bị đưa ra xét xử vì kê đơn thuốc quá liều cho bệnh nhân. Viên bác sĩ khai rằng ông ta chỉ cố gắng kiểm soát lượng bệnh nhân ăn vào, cũng như cố gắng ngăn Presley kiếm ma túy từ đường phố và được tha bổng.

Năm 1995, giấy phép hành nghề của Nichopoulos cuối cùng bị thu hồi vĩnh viễn, mặc dù một năm trước đó, một nhà điều tra sau khi xem xét lại cái chết của Presley vẫn kết luận rằng nguyên nhân là do một cơn đau tim.

Liên quan đến vai trò tiếp tay của bác sĩ Nick, một giả thuyết được đưa ra là việc lạm dụng thuốc ức chế thần kinh barbiturat kéo dài đã khiến người uống bị táo bón nặng. Vì thực tế Presley bị phát hiện bất tỉnh trong nhà vệ sinh, nên rất có thể khi đi đại tiện, anh đã gây quá nhiều áp lực lên trái tim vốn đã yếu ớt của mình. Sự căng thẳng kết hợp với bệnh béo phì, các bệnh khác và lạm dụng thuốc có thể đã khiến Presley lên cơn đau tim nghiêm trọng khi đi vệ sinh.

Nhiều giả thuyết khác cũng được đưa ra, nhưng cho dù là do thuốc, chế độ ăn uống hay cả chứng táo bón thì kết cục bi thảm của Vua nhạc Rock&Roll Elvis Presley cũng để lại một nỗi buồn bất tận cho những người hâm mộ anh thời đó.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.