Thủ tướng Anh tiến thoái lưỡng nan

.

Sắp đến thời hạn rời Liên minh châu Âu (EU) nhưng nước Anh vẫn bế tắc với phương án Brexit. Gạt Thủ tướng Theresa May sang một bên, Quốc hội Anh ngày 27-3 thảo luận về những lựa chọn khác nhau để thay thế Brexit, sau đó tiến hành bỏ phiếu đối với sự lựa chọn này.

Mọi nỗ lực cứu vãn thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May đều không thành công.  Ảnh: Getty Images
Mọi nỗ lực cứu vãn thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May đều không thành công. Ảnh: Getty Images

Ngày 27-3, tức chỉ còn gần 2 ngày là đến thời hạn Anh rời EU, Thủ tướng Theresa May vẫn muốn thuyết phục các nghị sĩ chấp nhận thỏa thuận Brexit mà bà đã mất công 2 năm mới đàm phán xong với khối. Tuy nhiên, một số nghị sĩ mặc cả bằng cách đề nghị bà May đưa ra thời điểm từ chức để đổi lấy sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba đối với thỏa thuận. Theo BBC, một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ lại chuyển sang hướng ủng hộ thỏa thuận. Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg lý giải: “Một nửa ổ bánh mì vẫn tốt hơn không có ổ bánh mì nào”. Trả lời chương trình Today của đài BBC Radio 4, ông Jacob cho biết, ông không đánh giá đây là thỏa thuận tốt hay sự lựa chọn tốt, nhưng sẽ ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng May nếu có được cái gật đầu của đảng Liên minh Dân chủ (DUP) Bắc Ireland. Tuy nhiên, DUP kiên quyết muốn trì hoãn Brexit thêm 1 năm.

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, một trong số những người chỉ trích Thủ tướng mạnh mẽ nhất hiện nghiêng sang ủng hộ thỏa thuận, nhưng với điều kiện bà May phải từ chức. Nghị sĩ ủng hộ Brexit, ông Nigel Evans cũng nhấn mạnh: “Nếu Thủ tướng công bố thời điểm từ nhiệm, tôi nghĩ rằng, điều này sẽ dẫn đến việc nhiều người ủng hộ thỏa thuận của bà”. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Y tế Steve Brine, người vừa từ chức hôm 25-3, tuyên bố rằng hàng chục bộ trưởng khác sẽ rời chính phủ nếu bà May không thay đổi cách xử lý vấn đề. Đến nay, người đứng đầu nhà số 10 phố Downing vẫn từ chối tuyên bố từ chức.

Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 với kết quả đa số người dân Anh lựa chọn rời EU, Vương quốc này cứ loay hoay về cách thức rời “mái nhà chung” sau 46 năm “chung sống”. Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đạt được với Brussels đã bị Quốc hội Anh bác bỏ 2 lần và dự kiến được bỏ phiếu lần ba để bảo đảm việc rời EU trong trật tự. Các nhà lãnh đạo EU nói rằng, Anh có thể rời khối vào ngày 22-5 tới nếu thỏa thuận được thông qua trong tuần này, nếu không sẽ phải ra đi sớm nhất vào ngày 12-4 mà không có thỏa thuận trong tay. Tương lai của nước Anh vẫn chưa được định hình rõ. Hàng loạt câu hỏi vẫn đặt ra: Khi nào tiến hành Brexit? Cách thức tiến hành ra sao, trong lúc Quốc hội, chính phủ và người dân chia rẽ sâu sắc?

Việc Quốc hội Anh hồi đầu tuần bất ngờ giành quyền kiểm soát Brexit khỏi tay Thủ tướng May được cho là động thái nhằm tìm hướng đi mới, tránh vòng luẩn quẩn. Song, động thái này vô hình trung tạo sức ép lớn đối với bà May và nguy cơ khơi mào cho tiền lệ nguy hiểm, khó lường cho tương lai của nước Anh. Theo đó, các nghị sĩ Anh có thể tổ chức một loạt cuộc bỏ phiếu cho những lựa chọn khác nhằm thay thế thỏa thuận Brexit, mà không cần sự can thiệp của Thủ tướng, chẳng hạn như: tổ chức trưng cầu dân ý lần hai; yêu cầu phương án “Brexit mềm” hoặc hủy bỏ Điều 50 - đảo ngược quá trình rời EU; tiến hành đàm phán về liên minh thuế quan mới với EU ngay sau khi rời khối; ở lại thị trường chung bằng cách tái gia nhập tổ chức Hiệp hội Tự do Thương mại châu Âu (EFTA) và ở lại Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA)…

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.