Thủ tướng Israel thăm Mỹ: Chuyến công du không trọn vẹn

.

Vụ tấn công tên lửa từ phía dải Gaza vào thủ đô Tel Aviv khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cắt ngắn chuyến công du Mỹ để trở về nước với cam kết đáp trả mạnh mẽ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là đồng minh thân thiết. 				Ảnh: ABC News
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là đồng minh thân thiết. Ảnh: ABC News

Chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Washington trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Israel và bàn về chủ quyền đối với cao nguyên Golan xem ra không trọn vẹn. Ông Netanyahu đến Washington vào ngày 24-3 nhưng thay vì lưu lại 4 ngày, nhà lãnh đạo này sẽ sớm trở về nước sau khi một quả rocket được bắn từ phía dải Gaza, tức từ lãnh thổ của Palestine, nhằm vào một ngôi nhà ở làng Mishmeret, cách thủ đô Tel Aviv 25km về phía bắc, làm 7 người bị thương.

Vụ tấn công xảy ra trong lúc căng thẳng leo thang ở biên giới dải Gaza và trước thềm tổng tuyển cử ở Israel, dự kiến vào ngày 9-4 tới. Hãng AFP dẫn lời quân đội Israel quy trách nhiệm cho Hamas - phong trào Hồi giáo đang kiểm soát dải Gaza và cho rằng tên lửa được phóng từ khu vực Rafah, miền nam lãnh thổ Palestine. Theo người phát ngôn lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Mika Lipshitz, tên lửa có tầm bắn 75 dặm, do Hamas sản xuất bên trong Gaza. Song, bà Lipshitz không cho biết tên lửa được phóng có chủ ý hay vô ý. Hai lữ đoàn bộ binh và các đơn vị thiết giáp Israel được điều động tới Gaza.

Trong khi đó, phong trào Hồi giáo Jihad lên tiếng cảnh báo “kẻ thù Do Thái không nên có những hành động gây hấn chống lại dải Gaza”. Nhưng Jihad không đề cập ai phải chịu trách nhiệm về vụ phóng tên lửa.

Tại Washington, Thủ tướng Netanyahu gọi vụ tấn công nói trên là “tội ác”, theo đó sẽ dẫn đến sự trả đũa mạnh mẽ của Israel. Ông tuyên bố sẽ trở về nước sau cuộc gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 25-3. Các hoạt động và làm việc của ông từ ngày 26-3 trong khuôn khổ chuyến thăm đều phải hủy.
Với thỏa thuận ngừng bắn không chính thức giữa Israel và Hamas, khu vực biên giới Gaza tạm yên ắng, nhưng bạo lực dấy lên trong những tuần gần đây, nhất là sau khi hai quả rocket từ Gaza bắn vào Tel Aviv hôm 14-3. Ngày 17-3, chính phủ Israel thông báo sẽ nối lại đàm phán ngừng bắn với Hamas thông qua vai trò trung gian của Ai Cập nhằm ngăn chặn leo thang căng thẳng tại dải Gaza, nhưng chưa rõ thời điểm các bên ngồi vào bàn nghị sự.

Các nhà quan sát cho rằng, Thủ tướng Netanyahu dường như muốn tránh leo thang căng thẳng ở Dải Gaza trong lúc gần đến bầu cử. Song, ông phải chịu khi liên minh chính trị trung dung do cựu lãnh đạo quân đội Benny Gantz đứng đầu muốn ông Netanyahu có biện pháp đáp trả cứng rắn. Chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Israel cũng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của ông chủ Nhà Trắng và thúc đẩy Washington chính thức công nhận chủ quyền của Tel Aviv đối với cao nguyên Golan, vùng lãnh thổ mà Israel chiếm của Syria năm 1967, tiến hành sáp nhập vào năm 1981 nhưng chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận. Trước đó, những dòng tweet của Tổng thống Trump về việc Mỹ “thừa nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, vốn đóng vai trò quan trọng an ninh và chiến lược trọng yếu đối với nhà nước Israel cũng như sự ổn định khu vực” làm dấy lên những chỉ trích và lo ngại. Ông Trump dự kiến ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan khi gặp gỡ Thủ tướng Netanyahu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Trump là món quà tặng đồng minh - người bạn Netanyahu trước thềm bầu cử vào ngày 9-4 để ông này có thêm nhiệm kỳ 5. Các thăm dò mới nhất cho thấy Thủ tướng Netanyahu đang mất lợi thế so với các đối thủ và chuyến công du Washington được cho là cơ hội để chứng minh với cử tri Israel rằng, ông vẫn nhận được ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, dù nhà lãnh đạo này đang đối mặt với 3 cáo buộc tham nhũng và bị điều tra.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel, “chảo lửa” Trung Đông sẽ càng thêm nóng. Syria và nhiều nước khác ở khu vực cho rằng việc công nhận này vi phạm luật quốc tế.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.