Trung Đông đối mặt làn sóng căng thẳng mới

.

Việc Mỹ là quốc gia đầu tiên chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan được cho là sẽ tạo ra làn sóng căng thẳng mới ở Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 tới. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 tới. Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có thắng lợi ngoại giao to lớn trước thềm tổng tuyển cử khi đồng minh thân thiết - Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan vào ngày 25-3 (ngày 26-3, giờ Việt Nam). Đứng bên cạnh nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du Washington, Thủ tướng Netanyahu ví ông Trump như Tổng thống Harry S. Truman - người đã công nhận Israel, thậm chí là Cyrus Đại đế - vị vua Ba Tư đã giải phóng người Do Thái khỏi xứ Babylon. “Quyết định của ngài công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan là mang tính lịch sử”, ông Netanyahu nói.

“Món quà bầu cử”

Cao nguyên Golan có diện tích khoảng 1.200km2, cách thủ đô Damascus của Syria 60km về phía tây nam. Israel chiếm đóng cao nguyên Golan trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình hồi năm 1981 nhưng động thái này không được cộng đồng quốc tế công nhận. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên vào tháng 2-2017 sau khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu muốn Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan. Giờ đây, ông Trump cho rằng, lẽ ra việc công nhận phải được thực hiện từ nhiều thập niên trước và Mỹ là quốc gia đầu tiên thừa nhận điều này.  

Theo hãng AFP, quyết định của Tổng thống Trump là món quà tặng Thủ tướng Netanyahu khi nhà lãnh đạo Israel đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 5 trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 9-4. Việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan có thể tác động đến kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho Thủ tướng Netanyahu, người đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Đây cũng là một trong hàng loạt động thái của Mỹ nhằm ủng hộ Israel như: rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran; công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ đến thành phố thánh địa này hồi năm ngoái…

Israel xung đột với các nước Arab?

Động thái ngoại giao mới nhất của Mỹ làm dấy lên làn sóng phản ứng từ nhiều quốc gia, từ Arab đến Trung Đông, cả các đồng minh của Washington ở châu Âu… Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA cho biết, hàng ngàn người dân nước này đã đổ xuống đường phố để phản đối quyết định nói trên. Quốc kỳ Syria và Palestine tràn ngập các tuyến đường ở nhiều thành phố; các biểu ngữ mang dòng chữ “Golan là của Syria”. Bộ Ngoại giao Syria cho rằng, sắc lệnh là đòn tấn công vào chủ quyền của Damascus. “Syria bác bỏ hoàn toàn quyết định của Mỹ. Lịch sử sẽ không thể thay đổi việc Golan đã, đang và sẽ mãi thuộc về Syria. Syria có quyền để giải phóng Golan bằng mọi cách cho đến khi vùng lãnh thổ này trở về đất mẹ”, thông điệp được phát trên Đài truyền hình Syria nêu rõ. Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cũng khẳng định: “Tổng thống Mỹ không thể thay đổi được bất kỳ điều gì về Golan. Bao nhiêu năm trôi qua, quyết định này cũng không thể thay đổi thực tế rằng Golan là một phần lãnh thổ của Syria bị chiếm đóng. Không ai có thể thay đổi sự thật này”.

Trong khi đó, Nga cảnh báo sắc lệnh của Mỹ sẽ khơi mào cho làn sóng căng thẳng mới ở Trung Đông. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu là Anh và Pháp cho hay, London và Paris sẽ xem cao nguyên Golan là “vùng đất bị Israel chiếm đóng” theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Bốn quốc gia Arab vùng Vịnh bao gồm Saudi Arabia, Bahrain, Qatar và Kuwait đều chỉ trích tuyên bố của Mỹ vi phạm Hiến chương của LHQ cũng như luật pháp quốc tế. Riyadh cảnh báo, việc công nhận như thế sẽ gây tổn hại cho tiến trình hòa bình và ảnh hưởng sự ổn định của khu vực. Theo Nghị quyết do Hội đồng Bảo an LHQ thông qua vào năm 1981: “Quyết định của Israel áp đặt luật pháp, quyền tài phán và quyền quản lý tại khu vực cao nguyên Golan bị chiếm đóng của Syria là vô giá trị và không có hiệu lực pháp lý quốc tế”. Ngay cả các đồng minh của Mỹ như Canada và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ quan điểm phản đối.

Đối với nhiều người Arab, sắc lệnh vừa được Tổng thống Trump ký xua tan hy vọng rằng, một ngày nào đó sẽ có đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, đồng thời gia tăng hoài nghi về vai trò trung gian khách quan của Washington trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Các nhà phân tích Trung Đông cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump, sau việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi tháng 12-2017, có thể khơi mào cho làn sóng sáp nhập vùng đất chiếm đóng, hủy hoại kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ và đẩy Israel trở lại xung đột với các nước Arab. “Ông Trump khiến Israel chắc chắn vướng vào tình trạng chiến tranh với các nước láng giềng Arab trong nhiều thập niên tới. Điều mà ông Trump làm chẳng khác nào đóng thêm chiếc đinh vào quan tài chôn vùi tiến trình hòa bình và hòa giải Arab - Israel”, GS. Fawaz Gerges về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, tác giả cuốn sách “Making the Arab World” (tạm dịch: Tạo dựng thế giới Arab) nhận định.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.