Vụ Cohen và bước lùi của chính trị Mỹ

.

Tổng thống Donald Trump cho rằng, việc đảng Dân chủ mở phiên điều trần cựu luật sư của ông cùng thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là bước lùi mới của nền chính trị và có thể đã góp phần khiến người đứng đầu Nhà Trắng rời khỏi bàn đàm phán.

Ông Michael Cohen điều trần công khai tại Quốc hội Mỹ.   Ảnh: Reuters
Ông Michael Cohen điều trần công khai tại Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters

Hãng AP dẫn lời Tổng thống Donald Trump chỉ trích phiên điều trần cựu luật sư của mình diễn ra trong lúc ông đang dự “hội nghị thượng đỉnh rất quan trọng” là “điều thực sự khủng khiếp”. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, đảng Dân chủ có thể lùi phiên điều trần “kẻ phản bội” lại một vài ngày sau đó, thay vì “tấn công” ông bằng cách như vậy.

“Thật đáng xấu hổ”

Trên trang mạng xã hội Twitter ngày 3-3 (sáng 4-3, giờ Việt Nam), Tổng thống Trump đổ lỗi cho đảng Dân chủ về việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. “Để đảng Dân chủ mở phiên điều trần công khai với một kẻ lừa dối, gian lận cùng thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh hạt nhân rất quan trọng với Triều Tiên có lẽ là một bước lùi mới của nền chính trị Mỹ và có thể điều đó đã góp phần vào quyết định “rút lui”.

Không bao giờ được làm điều đó khi tổng thống công du nước ngoài. Thật đáng xấu hổ”, ông Trump viết. Hàm ý của nhà lãnh đạo Mỹ nhắc đến việc Ủy ban Giám sát Hạ viện do đảng Dân chủ dẫn đầu tiến hành điều trần cựu luật sư Michael Cohen, người đã bị Tòa án ở Manhattan kết án 3 năm tù vào tháng 12-2018 vì các tội lừa đảo, trốn thuế, liên quan các khoản đóng góp bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử và nói dối trước Quốc hội.

Trước đó, ngày 26-2 (giờ Mỹ), ông Cohen gọi thân chủ cũ của mình là kẻ lừa đảo, phân biệt chủng tộc và tham gia tranh cử để đánh bóng tên tuổi chứ không làm “nước Mỹ trở nên vĩ đại”. Ông Cohen nói rằng, ông Trump biết trước trang WikiLeaks sẽ công bố các thư điện tử (email) gây ảnh hưởng xấu đến chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, đối thủ chính của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. “Kẻ phản bội” Cohen cũng cho hay, ông Trump có thể đã “bắt tay” với Nga để giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 nhưng bản thân cựu luật sư không nắm thông tin về vấn đề này, đồng thời cáo buộc ông Trump liên quan đến các hoạt động phạm pháp khi tiếp quản Nhà Trắng.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng đang muốn thu thập dữ liệu từ Bộ Tư pháp, từ con trai của Tổng thống Trump, Donald Trump Jr, từ Giám đốc Tài chính Tập đoàn Trump cũng như những người khác để điều tra nghi vấn nhà lãnh đạo Mỹ lạm quyền, tham nhũng và cản trở công lý. Nói về cáo buộc Tổng thống lạm quyền, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler dẫn việc ông Trump hồi tháng 5-2017 sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey, người đứng đầu cuộc điều tra mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga và nghi vấn Moscow can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống và gọi việc điều tra nghi vấn này là “cuộc săn phù thủy”.

Kỳ vọng Mỹ - Triều sớm đạt thỏa thuận

Tại thủ đô Seoul, trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ngày 4-3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai “vẫn thành công”, đồng thời thúc giục Washington và Bình Nhưỡng nhanh chóng nối lại đàm phán về phi hạt nhân hóa. “Tôi tin đối thoại Mỹ - Triều cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận”, Tổng thống Moon nói và cho biết ông đề nghị cần tìm ra khoảng cách chính xác giữa hai bên đã dẫn đến việc không đạt được thỏa thuận tại Hà Nội rồi tìm cách thu hẹp khoảng cách đó.
Tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Trump nói rằng, Triều Tiên muốn ông dỡ bỏ tất cả biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng cho hay, họ chỉ đề nghị dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và đã gợi ý phá bỏ toàn bộ tổ hợp hạt nhân chính tại Yongbyon - “trái tim” chương trình hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.

Cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100km, huyện Yongbyon là nơi có tổ hợp hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên. Theo hãng Reuters, ngoài Yongbyon, Triều Tiên được cho là có các cơ sở làm giàu uranium khác nên việc đóng cửa tổ hợp này không phải là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân. Song, Tổng thống Moon nói rằng, nếu phá bỏ tất cả cơ sở Yongbyon thì nên xem việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên bước vào giai đoạn “không thể đảo ngược”.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định, Seoul đang tìm các giải pháp khác để nối lại đối thoại Mỹ - Triều. Theo đó, đối thoại giữa các quan chức và chuyên gia có thể gồm 3 bên (hai miền Triều Tiên và Mỹ) để “dọn đường” cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3. 

Phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS ngày 3-3 (giờ Washington), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai thành công. Trong tổng cộng 3 cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau khi từ Việt Nam trở về nước, ông Bolton đều cho rằng, Tổng thống Trump đã bảo vệ và thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia trong khi thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un chấp nhận “thỏa thuận lớn vốn thực sự có thể làm nên điều khác biệt cho Triều Tiên”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.