Bầu cử ở Israel: Cuộc đua chật vật của Thủ tướng Benjamin Netanyahu

.

Hôm nay (9-4), Israel bước vào cuộc tổng tuyển cử được cho là phép thử của Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 5 bất chấp những cáo buộc tham nhũng, lợi dụng tín nhiệm…

Khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) thăm Mỹ vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump (trái) đã ký sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel.	Ảnh: AP
Khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) thăm Mỹ vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump (trái) đã ký sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel. Ảnh: AP

Hãng AFP cho biết, nếu đảng Likud giành chiến thắng, ông Benjamin Netanyahu sẽ vượt qua người sáng lập Israel - cố Thủ tướng David Ben Gurion để trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất. Đến nay, ông Netanyahu đã giữ cương vị thủ tướng 13 năm (từ năm 1996-1999 và từ năm 2009 đến nay).

Cáo buộc tham nhũng

Tháng 12-2018, Thủ tướng Netanyahu kêu gọi bầu cử sớm và ấn định thời gian tổng tuyển cử là ngày 9-4-2019, thay vì đợi đến tháng 11-2019. Chiến thắng dường như trong tầm tay ông, với hình ảnh một chính trị gia khôn khéo, đồng thời là ứng cử viên duy nhất trong việc bảo đảm an ninh và chính sách đối ngoại của Israel.

Tuy nhiên, tháng 2-2019, Thủ tướng Netanyahu bị cáo buộc tham nhũng, lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm và bị điều tra, trong đó có thương vụ tàu ngầm của Đức mà ông được cho là đã “bỏ túi” 4 triệu USD. Điều này mở ra cơ hội cho các đối thủ trong cuộc đua giành ghế thủ tướng mặc dù bản thân ông Netanyahu phủ nhận bất cứ hành vi phạm pháp nào và gọi vụ việc này là “cuộc săn phù thủy”.

Một số thăm dò mới đây cho thấy, đảng Likud có thể giành được ít ghế hơn so với đảng Xanh Trắng non trẻ của “ngôi sao chính trị” đang lên - cựu Tư lệnh quân đội Benny Gantz, nhưng vẫn đủ quyền thành lập liên minh chính phủ nhờ sự ủng hộ của các đảng cánh hữu đồng minh khác. Song, theo kết quả thăm dò mới nhất do AFP đăng tải, mỗi đảng Likud và đảng Xanh Trắng giành được khoảng 30 ghế trong Quốc hội 120 ghế. Vì vậy, đây là cuộc đua chật vật và khó dự đoán của vị chính trị gia 69 tuổi Netanyahu.

Đảng Xanh Trắng được thành lập vào tháng 2-2019, là kết quả sáp nhập đảng Israel Resilience của ông Gantz và đảng Yesh Atid của ông Yair Lapid. Tuy mới ra đời nhưng liên minh này đã gây tiếng vang lớn.
Thực tế, kể từ khi Israel tổ chức tổng tuyển cử lần đầu vào năm 1949, không đảng nào giành được đa số ghế. Nếu đảng Likud dẫn đầu số phiếu, ông Netanyahu sẽ tìm liên minh với các đảng siêu quốc gia và Do Thái chính thống, tương tự chính phủ đương nhiệm. Còn ông Gantz có thể tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng trung tả và cánh tả.

“Vua Bibi”

Hãng AP cho biết, những người ủng hộ gọi Thủ tướng Netanyahu là “Vua Bibi”, ca ngợi ông là bạn của các nhà lãnh đạo quyền lực trên thế giới, đồng thời xem ông là chính khách không thể thay thế ở Israel. Những người phản đối chỉ trích ông là kẻ tham nhũng, chia rẽ đất nước bằng cách kích động chống lại người Arab, đẩy Israel vào những rủi ro.

Là đồng minh thân thiết của Tổng thống Mỹ đương nhiệm, Thủ tướng Netanyahu có “tấm thẻ bài Trump”. Kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump đã trao cho ông Netanyahu hết “món quà” này đến “món quà” khác như: công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cắt hàng trăm triệu USD viện trợ cho người Palestine… Cuối tháng 3-2019, Tổng thống Trump tiếp người bạn Netanyahu tại Nhà Trắng và ký sắc lệnh công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel. “Món quà” này giúp tăng ưu thế cho đảng diều hâu Likud trước liên minh Xanh Trắng.

Chỉ 3 ngày trước bầu cử, ông Netanyahu còn tuyên bố trên truyền hình rằng, nếu tái đắc cử, nhà lãnh đạo này sẽ sáp nhập các khu định cư tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng - bước đi xóa tan những hy vọng cuối cùng về giải pháp 2 nhà nước với Palestine. “Tôi sẽ mở rộng chủ quyền của Israel, không phân biệt các khu định cư và các khu biệt lập. Theo tôi, đấy là khu vực của Israel, do Israel kiểm soát. Chính phủ Israel có trách nhiệm với các khu vực này và tôi sẽ không chuyển nó sang cho chính quyền Palestine”, ông Netanyahu nói.

Cũng trong tuần trước, ông Netanyahu đến Nga và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Phía Nga đã hỗ trợ trao trả hài cốt một binh sĩ Israel mất tích trong chiến dịch quân sự ở Lebanon cách đây 37 năm. Đây lại là “món quà” khác dành cho ông Netanyahu trước thềm bầu cử, giúp ông củng cố thông điệp rằng, Israel an toàn, chứ không hề bị đẩy vào rủi ro.

Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử lần này có thể quyết định số phận “Thỏa thuận thế kỷ” của Tổng thống Mỹ - kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine mà Jared Kushner, con rể của ông Trump, đã chuẩn bị trong 2 năm. Phía Palestine đang lo ngại, với tư tưởng bảo thủ của Thủ tướng Netanyahu, “Thỏa thuận thế kỷ” sẽ chôn vùi những khát vọng về một nhà nước Palestine độc lập trong phạm vi biên giới được quy định vào năm 1967, với thủ đô là đông Jerusalem.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.