Chiều 24-4, truyền thông Nga đưa tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên đã tới thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười sau khi bước ra từ đoàn tàu bọc thép đặc chủng, bắt đầu chuyến thăm Nga. Ảnh: Daily Sabah |
Vào khoảng 18h (giờ địa phương, tức 15h giờ Hà Nội) ngày 24-4, đoàn tàu hỏa bọc thép chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Vladivostok - thành phố vùng Viễn Đông của Nga, sau hành trình kéo dài khoảng 20 giờ xuất phát từ Bình Nhưỡng.
Dự kiến, ông Kim Jong-un sẽ mất 2 giờ để tới đảo Rusky, nơi ông sẽ tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 25-4
Hội nghị dự kiến diễn ra tại trường Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU), trên đảo Rusky.
Đoàn tàu bọc thép đặc chủng của Chủ tịch Triều Tiên. Ảnh: Ria |
Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ Chính quyền tại khu vực Viễn Đông cho biết đoàn tàu bọc thép đặc chủng màu xanh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã vượt qua biên giới hai nước và tới nhà ga đường sắt Khasan của Nga.
Ông Kim Jong-un đã được chào đón nồng nhiệt, với bánh mỳ và muối mang đậm nét truyền thống của Nga.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước đó cùng ngày đã bắt đầu lên đường tới thành phố Vladivostok của Nga để tiến hành hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
Các biện pháp an ninh tại ga Khasan đã được tăng cường.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin tiễn Chủ tịch Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng có hàng loạt quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên, Ủy ban Quốc vụ và lực lượng vũ trang.
Tháp tùng chuyến thăm Nga lần đầu tiên kể từ khi lên lãnh đạo Triều Tiên của ông Kim Jong-un có các thành viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên Kim Phyong Hae và O Su Yong; Ngoại trưởng Ri Yong Ho; Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Yong Gil và nhiều quan chức cấp cao khác.
Theo KCNA, Phu nhân Ri Sol Ju không đi cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến thăm này.
Video chiếc xe bọc thép đặc chủng của Chủ tịch Triều Tiên được đưa tới Vladivostok. (Nguồn: Sputnik)
Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 8 năm qua, sau cuộc gặp gần nhất hồi năm 2011 giữa cố lãnh đạo Kim Jong-il và Tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev.
Đây cũng là lần công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội hồi cuối tháng 2 vừa qua.
Giới quan sát quốc tế cho rằng chương trình nghị sự trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra tại thành phố Vladivostok vào ngày 25-4, sẽ tập trung vào các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế và quan hệ song phương.
Ảnh: Irish Times |
Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin có thể sẽ nhắc lại mong muốn của Moskva trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua cơ chế đàm phán đa phương, với sự tham gia của 2 miền Triều Tiên và các cường quốc có liên quan, ủng hộ các vòng đám phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng có thể đề cập tới số phận của khoảng 10.000 lao động Triều Tiên tại Nga, đang phải đối mặt với việc phải hồi hương vào cuối năm nay do các lệnh trừng phạt của quốc tế cấm các nước cấp thị thực cho lao động Triều Tiên.
Do kim ngạch thương mại giữa Nga và Triều Tiên không lớn, trong khi các biện pháp trừng phạt vẫn đang được áp đặt đối với Bình Nhưỡng, do đó, việc thảo luận hợp tác kinh tế song phương tại hội nghị có thể bị hạn chế. Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại giữa Nga và Triều Tiên trong năm 2018 chỉ đạt khoảng 34 triệu USD, giảm 56,3% so với năm 2017.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) duyệt đội danh dự trước khi rời Bình Nhưỡng bằng tàu hỏa để tới Nga dự Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin, tối 24-4-2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Nhiều nhà quan sát cho rằng tại cuộc gặp ở Vladivostok, hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận khả năng tiến hành các dự án kinh tế giữa Nga và Triều Tiên trong đó có dự án Rajin-Khasan. Đây là dự án bị đình trệ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân những năm trước.
Tuy nhiên, hầu hết hợp tác kinh tế giữa hai nước đều có thể đối mặt với những hạn chế từ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chỉ có 1 lĩnh vực có thể tránh được trừng phạt đó là hợp tác nhân đạo.
Vì vậy, giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin có thể cam kết tăng cường việc hỗ trợ nhân đạo nhằm củng cố quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và việc thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự.
Theo Báo Tin tức