Cơ hội cho Nga và Triều Tiên

.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 24-4 tới tại Nga được cho là cơ hội để cả Moscow lẫn Bình Nhưỡng thúc đẩy lợi ích chung và lợi ích riêng.

Với cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bình Nhưỡng đang “xoay trục” sang Moscow trong lúc đàm phán Mỹ - Triều bế tắc. 		Ảnh: AFP
Với cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bình Nhưỡng đang “xoay trục” sang Moscow trong lúc đàm phán Mỹ - Triều bế tắc. Ảnh: AFP

Báo chí Hàn Quốc và Nga xác nhận hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều diễn ra vào ngày 24-4 tại đảo Russky, ngoài khơi thành phố Vladivostok, cách biên giới hai nước khoảng 130km, trước khi Tổng thống Vladimir Putin có chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 26 và 27-4 để gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Nga kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2011.

Nga và Triều Tiên có mối quan hệ gần gũi từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Nga hỗ trợ khí tài, xe tăng, máy bay và cố vấn chiến lược cho Triều Tiên. Hơn 1 năm bán đảo Triều Tiên có những chuyển biến tích cực hướng đến hòa bình, ổn định, nhất là với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 6-2018 ở Singapore, Nga dường như đứng ngoài cuộc. Song, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào tháng 2-2019 không đạt được thỏa thuận và Triều Tiên mới đây thử thành công vũ khí chiến thuật mới, Tổng thống Putin bày tỏ sẵn sàng gặp gỡ ông Kim Jong-un.

Thực chất, lời mời thăm Nga của ông chủ Điện Kremlin đối với ông Kim được đưa ra từ tháng 5-2018 nhưng đến nay cuộc gặp giữa hai nước đồng minh thời Chiến tranh Lạnh mới được tiến hành. Ông Andrei Lankov (Đại học Kookmin ở Seoul, Hàn Quốc) nhận định, mối quan tâm của Nga là muốn nhắc nhở rằng, Moscow vẫn có tiềm năng kinh tế lẫn chính trị ở khu vực.

Năm ngoái, ông Kim Jong-un chưa sẵn sàng thăm Nga bởi Moscow không phải là “nhân vật chính” trong câu chuyện hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nay ông Kim đang tìm kiếm đồng minh trong lúc muốn Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt để Triều Tiên phát triển kinh tế và chính Nga đã kêu gọi giảm lệnh trừng phạt để đáp lại các bước đi tích cực của Bình Nhưỡng trong thời gian qua. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, tại cuộc gặp thượng đỉnh tuần này, Tổng thống Putin sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Theo hãng tin AFP, giới phân tích bày tỏ hoài nghi về khả năng tạo đột phá của cuộc gặp Nga - Triều bởi cho rằng, Moscow không phải là Bắc Kinh - đồng minh lớn nhất và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Chuyên gia phân tích về Triều Tiên, ông Konstantin Asmolov làm việc tại Viện Viễn Đông có trụ sở ở Moscow bình luận, chính sách ngoại giao chính của Nga vẫn hướng đến các nước thuộc Liên Xô cũ và khu vực Trung Đông, nhất là ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Song, theo những chuyên gia khác, Nga vốn có vai trò quan trọng trong đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên) trước khi cơ chế này bế tắc. Nga luôn ủng hộ cách tiếp cận đa chiều, khuyến khích phi hạt nhân hóa và loại bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Vì vậy, không hẳn Nga đứng ngoài cuộc trong tiến trình ngoại giao để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mà Moscow vẫn muốn tạo ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng, nhất là trong đàm phán Mỹ - Triều.

Đối với Triều Tiên, chuyến thăm Nga của ông Kim là động thái “xoay trục” trong lúc đàm phán Mỹ - Triều bế tắc. Ông Kim Jong-un muốn nhận được sự ủng hộ của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và xúc tiến kế hoạch ngoại giao khác nếu mối quan hệ với Trung Quốc gặp trở ngại. Đây cũng là cơ hội để ông Kim gửi thông điệp đến Mỹ cùng các đồng minh Trung Quốc, Hàn Quốc rằng, Triều Tiên có nhiều sự lựa chọn khác và Bình Nhưỡng có thể vươn ra ngoài thế giới hơn nữa, chứ không dừng lại trong mối quan hệ với Washington, Bắc Kinh hay Seoul.

Hiển nhiên Mỹ sẽ không bằng lòng với việc Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh này không làm xấu đi triển vọng đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.