Mỹ "phớt lờ" G7

.

Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vắng mặt tại hội nghị ngoại trưởng G7 tại khu nghỉ mát Dinard, phía bắc nước Pháp, cho thấy Washington đang “phớt lờ” khối những nước giàu có này.

Bức ảnh được cho là thể hiện sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Charlevoix (Canada) tháng 6-2018.Ảnh: EPA
Bức ảnh được cho là thể hiện sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Charlevoix (Canada) tháng 6-2018.Ảnh: EPA

Bộ Ngoại giao Mỹ không giải thích về sự vắng mặt của ông Mike Pompeo tại hội nghị ngoại trưởng G7 ngày 5 và 6-4. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino chỉ khẳng định: “Liên minh xuyên Đại Tây Dương vẫn hùng mạnh hơn bao giờ hết”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cử Thứ trưởng John Sullivan đến Dinard, còn bản thân ông ở lại Washington để chủ trì cuộc họp các ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhân kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh quân sự.

Một nhà ngoại giao của G7 nhận định, việc ông Pompeo vắng mặt là một thông điệp khá tiêu cực: Ông ấy có những việc tốt hơn phải làm. Không những thế, người đứng đầu Bộ An ninh nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen cũng không tham dự hội nghị Bộ trưởng An ninh nội địa của khối G7 tại Pháp vào ngày 4 và 5-4; thay vào đó, bà Claire Grady - quan chức Bộ An ninh nội địa đến Pháp.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ phớt lờ G7. Tháng 6-2018, hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Canada đã thất bại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ không tán thành tuyên bố chung của hội nghị và công khai chỉ trích vai trò của chủ nhà - Thủ tướng Justin Trudeau - về các chính sách thương mại.

Ông Trudeau thừa nhận giữa các nước trong nhóm và Mỹ tồn tại nhiều bất đồng. Lúc đó, quan hệ giữa Mỹ và Canada thực sự chẳng mấy tốt đẹp với vấn đề thuế nhập khẩu nhôm và thép; đàm phán về hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) trong bộ ba Mỹ - Canada - Mexico. Các báo của Canada còn đăng tít lớn: “Châu Âu sẵn sàng đương đầu với Donald Trump” và cho rằng nên dùng tên gọi “thượng đỉnh G6+1” thay cho “thượng đỉnh G7”.

Vì vậy, các mục tiêu tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi chủ trì hội nghị thượng đỉnh G7 tại khu nghỉ mát Biarritz vào tháng 8 tới cũng bị “phủ bóng” bởi sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu. Hội nghị ngoại trưởng lần này nhằm “dọn đường” cho cuộc gặp thượng đỉnh của G7 vào tháng 8, gồm các nước: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đức, Anh, Ý, Canada và Liên minh châu Âu (EU).

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan tham gia thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Venezuela, vấn đề Iran ở Trung Đông và việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên... Pháp cũng dự kiến hàng loạt vấn đề được đưa ra bàn thảo như: an ninh mạng, tình trạng buôn bán ma túy và vũ khí, đấu tranh chống bất bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ...

Hãng AFP cho rằng, chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump làm dấy lên căng thẳng chưa từng có giữa Mỹ và châu Âu kể từ cuộc chiến tranh Iraq do Washington dẫn đầu vào năm 2003. Sự rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương thể hiện rõ nhất qua việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel...

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, những gì mà Mỹ thể hiện cho thấy Washington đang “hạ cấp” G7 và câu lạc bộ những nước giàu có này hoạt động ngày càng giống với mô hình G6+1 hơn. Theo ông Benjamin Haddad, Giám đốc sáng kiến Tương lai châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, “G7 trước đây không thành công lắm” và ông Trump không ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về sự liên quan và tính hiệu quả của G7 trong việc giải quyết các thách thức an ninh, bao gồm chống khủng bố và buôn người. Hãng Reuters nhận định, G7 đang loay hoay tìm kiếm “mẫu số chung thấp nhất”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.