NATO chao đảo vì thương vụ S-400

.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng, với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói chung vốn chứa đựng những bất đồng. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ nhưng không phải là quốc gia “dễ bảo” trong nhiều vấn đề cả về quân sự lẫn kinh tế. Khi cuộc chiến ở Syria bùng phát cùng với vấn đề người Kurd đã làm những bất đồng giữa Ankara với Washington trở nên sâu sắc hơn.

Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7-2016, việc Mỹ vẫn dung dưỡng giáo sĩ Fethullah Gulen càng khiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hiểu thêm về “ông bạn đồng minh” của mình.

Trong khi đó, với những biến cố ở Syria cũng như hàng loạt vấn đề diễn ra ở khu vực Trung Đông, Nga đã có những bước đi thích hợp, tạo dựng lòng tin. Vì vậy, bỏ qua những “trục trặc”, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xây dựng mối quan hệ khá tốt cả về kinh tế lẫn quân sự. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga hình thành thương vụ S-400, tổ hợp tên lửa tiên tiến nhất do Moscow sản xuất, có thể bắn hạ các chiến đấu cơ trong bán kính 400km. Thương vụ S-400 đã được hoàn tất và đợt chuyển giao đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 7 tới.

Tuy nhiên, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ “chọc giận” Mỹ. Washington lo ngại công nghệ được Nga sử dụng trong S-400 có thể giúp Moscow thu thập dữ liệu các loại chiến đấu cơ của NATO, nhất là F-35 của Mỹ. Ngoài mối lo ngại gián điệp, còn có vấn đề tương tác giữa hệ thống phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ với các hệ thống còn lại trong NATO. Hơn thế, thương vụ S-400 là “cú đánh thọc sườn” vào “nồi cơm” của các tập đoàn “lái súng” của Mỹ và các đồng minh.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng, thậm chí gây áp lực để Thổ Nhĩ Kỳ ngừng thương vụ S-400. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Erdogan cho rằng, là quốc gia độc lập, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền lựa chọn vũ khí nào để gia tăng sức mạnh quân sự, bảo vệ đất nước. Mặt khác, Ankara cũng biết vị trí chiến lược của mình trên bàn cờ địa chính trị giữa hai lục địa Á - Âu, cũng như ở khu vực Trung Đông. Cho nên, những lời đe dọa của Mỹ và NATO không làm Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại. Washington từng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống Patriot thay cho S-400. Tổng thống Erdogan nói rõ, dù muốn mua Patriot nhưng điều kiện bán vũ khí mà Mỹ đưa ra không giống với Nga. Đây là “cú sốc” cho Mỹ và NATO trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm thành lập khối với nhiều sự rạn nứt nội bộ.

Mới đây, nghị sĩ Đức Alexander Noah cho rằng, NATO là mối đe dọa đối với an ninh thế giới nên liên minh quân sự này cần được giải thể. Phát biểu trên trang tin Die Freiheitsliebe của Đức, ông Noah nhận định, NATO chỉ sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ “lợi ích đế quốc” của tổ chức này, đồng thời vi phạm một cách có hệ thống các quy tắc luật pháp quốc tế và châm ngòi cho các cuộc xung đột quân sự…

Những diễn biến trên cho thấy, thương vụ S-400 giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ như “giọt nước tràn ly” làm quan hệ giữa Ankara với Washington hay trong nội bộ NATO có thêm cơ hội bộc lộ mâu thuẫn.

Ngày 8-4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt đầu chuyến thăm Nga và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Theo đó, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc thực hiện các dự án năng lượng chung; việc Moscow cung cấp hệ thống S-400 cho Ankara, tiến trình xây dựng đường ống khí đốt Nga - Thổ và nhà máy hạt nhân Akkuyu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.