Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đến thành phố Vladivostok của Nga vào ngày 24-4 để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin bàn giải pháp chính trị và ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un (thứ hai, từ trái sang) đến nhà ga ở thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga. Ảnh: CNN |
Hãng Reuters cho biết, đoàn tàu hỏa bọc thép chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga, lúc 18 giờ ngày 24-4 (15 giờ, giờ Việt Nam) sau hành trình khoảng 20 tiếng đồng hồ xuất phát từ Bình Nhưỡng.
Ngay sau khi đoàn tàu dừng tại ga Vladivostok, ông Kim Jong-un được tiếp đón bằng các nghi thức trang trọng với thảm đỏ và duyệt đội danh dự. Ông Kim sau đó tiếp tục đến đảo Rusky, nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 25-4 trong lúc đàm phán Mỹ - Triều đang bế tắc và Bình Nhưỡng vẫn đang chịu trừng phạt.
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, trước đó, khi dừng ở nhà ga Khasan - gần biên giới Triều Tiên, ông Kim Jong-un được chào đón bằng hoa, bánh mì và muối. Nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ: “Tôi rất vui khi ở trên đất Nga… Với sự đón tiếp nồng hậu của người dân Nga, tôi tin rằng, chuyến thăm này sẽ rất thành công”.
Đối với người Nga, bánh mì và muối là nghi thức truyền thống để chào đón những khách mời đặc biệt quan trọng. Bánh mì tượng trưng cho sự sung túc, giàu có; muối xua tan ảnh hưởng và sức mạnh của kẻ thù cũng như xua đi tai họa và khó khăn. Bánh mì và muối là hai nguyên liệu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của xứ bạch dương.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều sẽ diễn ra tại khu phức hợp thể thao của Đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Russky. Khu vực này cũng là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2012.
Cố vấn của Điện Kremlin Yuri Ushakov cho hay, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều tập trung vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế và quan hệ song phương. Theo ông Ushakov, Nga sẽ hỗ trợ tạo ra tiền đề và bầu không khí thuận lợi để đạt được các thỏa thuận vững chắc cho vấn đề của bán đảo Triều Tiên.
Kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, giữa hai quốc gia này cũng không có mối liên hệ cấp cao nào mặc dù cả hai đều để ngỏ khả năng gặp thượng đỉnh lần ba.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đáp lại các bước giải giáp hạt nhân mà ông đã thực hiện vào năm ngoái. Tuy nhiên, Washington khăng khăng duy trì trừng phạt cho đến khi nào Bình Nhưỡng có những bước phi hạt nhân hóa đáng kể hơn.
Ông Kim Jong-un đến Nga sau khi Triều Tiên thử nghiệm vũ khí mới, loại tên lửa chiến thuật có điều khiển và mang theo đầu đạn có sức công phá lớn. Vụ thử này được cho là mang mục đích chính trị, trong đó có việc gia tăng vị thế của Triều Tiên trước cuộc gặp thượng đỉnh với Nga.
Hãng AP dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, ông Kim Jong-un có thể tìm cách thúc đẩy mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, nhưng chưa rõ Moscow sẽ đóng vai trò lớn như thế nào trong những nỗ lực tái khởi động đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều. Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều cũng là dịp để Nga gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và cả với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nga có cơ hội chứng minh cường quốc này vẫn là một nhân tố quan trọng của toàn cầu.
Trong khi đó, cựu chuyên gia nghiên cứu cấp cao Chon Hyun-joon tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul nhận định: “Ông Kim Jong-un muốn thể hiện ông ấy cũng đang hợp tác với Nga hơn là chỉ hướng đến Mỹ và Trung Quốc”. Các nhà phân tích khác cũng dự đoán cuộc gặp Nga - Triều có thể là cách để nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đánh giá về những lựa chọn ngoại giao của ông ngoài việc đàm phán với Mỹ; đồng thời Bình Nhưỡng kỳ vọng Moscow sẽ tạo “đòn bẩy” cho hội nghị thượng đỉnh lần ba với Washington.
Ngày 24-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp với Nga và CHDCND Triều Tiên trong nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc và Nga là hai trong 6 nước tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên (bao gồm: Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga). Đàm phán được khởi động vào năm 2003 nhưng bị ngưng trệ từ năm 2008 đến nay. Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tất cả những nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên đều xứng đáng được ủng hộ nếu có mục tiêu giải quyết. Theo ông Peskov, đàm phán 6 bên thực sự là định dạng nhằm thúc đẩy giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. |
PHÚC NGUYÊN