Phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris: Một chặng đường dài

.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong muốn việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn vào tối 15-4 sẽ được hoàn thành trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc hồi sinh “trái tim Paris” có thể mất đến vài thập niên.

Người dân Pháp cầu nguyện khi Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong “cơn bão lửa”.  Ảnh: AFP/Getty Images
Người dân Pháp cầu nguyện khi Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong “cơn bão lửa”. Ảnh: AFP/Getty Images

“Cơn bão lửa” ở Nhà thờ Đức Bà Paris làm cả thế giới bàng hoàng, tiếc nuối về một công trình kiến trúc hơn 850 năm tuổi, vốn trải qua bao thăng trầm lịch sử, được xem là biểu tượng của nước Pháp, niềm tự hào của người dân quốc gia châu Âu này. Tháp nhọn và một phần mái vòm sụp đổ, nhưng cấu trúc chính, những bảo vật và nhiều tác phẩm nghệ thuật trong nhà thờ vẫn an toàn.

“Biến thảm họa thành cơ hội”

Hãng AFP cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong muốn việc phục dựng nhà thờ được hoàn thành trong vòng 5 năm, trước thời điểm nước này đăng cai Olympic năm 2024, để di sản được xem là “trái tim Paris” không mất đi.

“Chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris thậm chí còn đẹp hơn. Tôi muốn công việc đó hoàn thành trong 5 năm. Chúng ta có thể làm được”, ông Macron phát biểu trên truyền hình.

Người đứng đầu Điện Élysée kêu gọi người dân đoàn kết nhằm “biến thảm họa thành cơ hội để cùng suy ngẫm về chúng ta trong quá khứ và điều mà chúng ta phải trở thành trong tương lai…”. Ông Macron cũng cảm ơn lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và những người đã cam kết đóng góp cho công tác tái thiết nhà thờ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khó phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris trong 5 năm. Ông Peter Fuessenich, người giám sát việc xây dựng nhà thờ theo phong cách kiến trúc Gothic ở Cologne (Đức) nhận định, có thể mất vài thập niên để sửa chữa Nhà thờ Đức Bà Paris. Nhà thờ Cologne bị thiệt hại nghiêm trọng trong Thế chiến thứ hai và công tác phục dựng phải kéo dài hơn 70 năm.

Ông Eric Fischer, người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi ở Pháp cũng cho rằng, việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mất hàng thập niên.

Thách thức đặt ra là phục hồi mái của nhà thờ, vốn được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của môi trường và thời gian. Ước tính 1.300 cây sồi (khoảng 21 hecta rừng) đã được dùng để làm dầm cho công trình vào thế kỷ 12 và 13.

Song, theo Phó Chủ tịch Quỹ Di sản Pháp Bertrand de Feydeau, những cây gỗ lớn được trồng trong các rừng nguyên sinh dùng để xây mái nhà thờ hiện không tồn tại. Đó là chưa kể trên khắp châu Âu hiện nay, chỉ còn 4% diện tích đất rừng là rừng nguyên sinh chưa chịu tác động bởi hoạt động của con người.

Cuộc điều tra kéo dài và phức tạp

Về nguyên nhân hỏa hoạn, lực lượng cứu hỏa cho rằng, vụ cháy có thể liên quan dự án tôn tạo nhà thờ trị giá 6 triệu euro (6,8 triệu USD). Văn phòng Công tố Paris đang điều tra vụ việc theo hướng tai nạn và bác bỏ nguyên nhân khủng bố hay phá hoại.

Công tố viên Paris Remy Heitz cho biết, cuộc điều tra sẽ kéo dài và phức tạp. 50 điều tra viên đang làm việc và sẽ thẩm vấn những công nhân của 5 công ty được hợp đồng tôn tạo mái của nhà thờ - nơi ngọn lửa bùng phát.

Theo vị công tố viên này, báo động cháy ban đầu được đưa ra lúc 18 giờ 20 ngày 15-4 (giờ Paris) nhưng không phát hiện cháy ở vị trí nào. Đến 18 giờ 43, tiếng chuông báo cháy lần hai vang lên và ngọn lửa bắt đầu hiện rõ trong những xà gỗ. Những chiếc xe cứu hỏa đầu tiên được huy động đến nhà thờ... Một quan chức cảnh sát Paris khẳng định, các nhà điều tra đã thẩm vấn gần 30 người.

Lúc này, người Pháp không còn nghĩ đến chuyện chính trị nữa, như nhận định của Tổng thống Macron khi phát biểu trên truyền hình. Trong khi đó, thế giới đang hướng về Paris với sự chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết. Tại thủ đô London (Anh) vào chiều 16-4 (giờ địa phương), các chuông của Điện Westminster đồng loạt ngân vang đánh dấu 24 giờ kể từ thời điểm lửa bùng lên ở Nhà thờ Đức Bà Paris. Tại New York (Mỹ), đèn được thắp sáng ở đỉnh tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới theo màu quốc kỳ Pháp vào tối 16-4.

Cần từ 1,13 đến 2,3 tỷ USD

Nhiều chuyên gia cho rằng, còn quá sớm để đánh giá chi phí thiệt hại và sửa sang Nhà thờ Đức Bà Paris. Song, ông Stephane Bern, phụ trách di sản văn hóa của Pháp, ước tính việc phục dựng Di sản Văn hóa thế giới này sẽ cần từ 1,13 tỷ USD đến 2,3 tỷ USD.

Hãng AP dẫn lời ông Bern cho hay, chỉ trong 1,5 ngày kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn, quỹ phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris đã nhận được 880 triệu euro (995 triệu USD). Trong đó, doanh nhân giàu nhất nước Pháp Bernard Arnault cùng tập đoàn LVMH của ông cam kết đóng góp 200 triệu euro (226 triệu USD) cho công tác phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tỷ phú Francois Pinault và con trai ông, Francois-Henri Pinault, cam kết đóng góp 100 triệu euro (113 triệu USD). Các công ty của Pháp như Total và L’Oreal, mỗi đơn vị đóng góp 100 triệu euro.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.