SpaceX thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh thương mại đầu tiên

.

Sáng 12-4 theo giờ Việt Nam, tập đoàn Công nghệ thám hiểm không gian SpaceX của Mỹ đã thực hiện vụ phóng vệ tinh thương mại đầu tiên, trong đó tên lửa Falcon Heavy đưa vệ tinh viễn thông Arabsat-6A của Saudi Arabia lên quỹ đạo Trái Đất.

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX trên bệ phóng. Ảnh: space.com
Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX trên bệ phóng. Ảnh: space.com

Vụ phóng diễn ra tại bãi phóng Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Gần 10 phút sau khi phóng, ba tầng đẩy đã tách khỏi tên lửa theo đúng kế hoạch và sau đó 2 tầng đã đáp an toàn xuống mặt đất gần bãi phóng, trong khi tầng then chốt nhất đáp an toàn xuống một bãi đỡ di động trên Đại Tây Dương để tái sử dụng. 

Khoảng 34 phút sau khi phóng, vệ tinh màu bạc nặng 6 tấn đã được đưa thành công lên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái Đất 36.000km. Vệ tinh này được thiết kế để cung cấp truyền hình, Internet, điện thoại và đảm bảo các dịch vụ viễn thông cho khách hàng ở khu vực Trung Đông.

Theo SpaceX, tên lửa Falcon Heavy có lực đẩy mạnh trên 2,3 triệu kg, tương đương sức đẩy của khoảng 18 chiếc Boeing 747. Tên lửa này có thể đưa số hàng hoặc thiết bị nặng 64 tấn lên quỹ đạo, số tải trọng cao gấp đôi so với tên lửa hạng nặng Delta IV Heavy, trong khi chi phí lại chỉ bằng 1/3.

Vụ phóng trên được thực hiện một năm sau khi tên lửa Falcon Heavy đưa chiếc xe màu đỏ Tesla của nhà sáng lập SpaceX Elon Musk lên quỹ đạo trong một cuộc thử nghiệm.

SpaceX có hai loại tên lửa đang hoạt động là Falcon 9, từng thực hiện 21 vụ phóng trong năm 2018, và Falcon Heavy, cái tên được đặt với ý định rằng tên lửa này sẽ đưa vật nặng hơn nhiều lên các quỹ đạo xa hơn.

Vụ phóng đầu tiên của Falcon Heavy được thực hiện hồi tháng 2/2018, trong đó có đặt một người nộm tên là Starman sau vô lăng của tàu không gian Tesla, con tàu hiện đang quay quanh quỹ đạo Mặt Trời ở vị trí giữa Trái Đất và Sao Hỏa.

Kể từ đó, quân đội Mỹ và các khách hàng tư nhân đã ký nhiều hợp đồng phóng bằng tên lửa Falcon Heavy. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đề cập đến khả năng sử dụng tên lửa này cho các sứ mệnh của mình lên Mặt Trăng.      

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.