Ngày 12-4, quân đội Sudan tuyên bố sẽ không bàn giao cựu Tổng thống Omar al-Bashir cho tòa án quốc tế để xét xử.
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibnouf (trái) ở thủ đô Khartoum ngày 14-3-2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một tuyên bố, Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp Sudan khẳng định cựu Tổng thống al-Bashir sẽ không được giao nộp cho Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).
Từ nhiều năm nay, ông Omar al-Bashir, người cầm quyền tại Sudan 30 năm sau khi thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, đã bị ICC truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng vì những gì nhà lãnh đạo này từng thực hiện tại Darfur.
Cùng ngày, Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp Sudan cam kết chính phủ mới ở nước này sẽ là "một chính quyền dân sự", khẳng định quân đội không có ý định kiểm soát quyền lực lâu dài.
Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan dự kiến điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tối đa 2 năm, trước khi tổ chức tổng tuyển cử. Theo Chủ tịch hội đồng này - Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf - nếu tình hình "không hỗn loạn" giai đoạn chuyển tiếp có thể sẽ chỉ trong vòng một tháng. Ông đồng thời cho biết Đảng Đại hội Dân tộc cầm quyền trước đây của Tổng thống Omar al-Bashir vừa bị lật đổ, được phép tham gia tranh cử.
Cũng trong ngày 12-4, người đứng đầu Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Michelle Bachelet kêu gọi chính quyền Sudan trả tự do cho những người bị bắt giữ vì biểu tình ôn hòa và điều tra việc sử dụng vũ lực chống lại các cuộc biểu tình kể từ tháng 12-2018.
Theo bà Bachelet, đây là "một thời điểm rất quan trọng" đối với Sudan, trong đó "hiện hữu một tương lai không chắc chắn và không yên bình". Bà đồng thời nhấn mạnh rằng nhà chức trách nước này phải kiềm chế sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình ôn hòa.
Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19-12-2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Tổng thống Omar al-Bashir từng tuyên bố không từ chức và khẳng định cách duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử.
Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar Al-Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 22 giờ đến 4 giờ (giờ địa phương). Nhóm biểu tình chính ở Sudan đã phản đối các thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình. Trong khi đó, các nhân chứng cho biết hàng nghìn người biểu tình Sudan vẫn tập trung bên ngoài các sở chỉ huy quân sự.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 12-4 khẳng định nước này sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với Sudan, cho dù đang có những thay đổi ở đất nước Bắc Phi này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lục Khảng nêu rõ: "Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi hy vọng Sudan sẽ vượt qua tình hình hiện nay. Bất kể có thế nào, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị (với Sudan)". Khi được hỏi liệu Chính phủ Trung Quốc có công nhận Hội đồng quân sự, hiện đang được giao trọng trách lãnh đạo Sudan trong thời gian hai năm chuyển tiếp, hay không, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Theo Báo Tin tức