Nga và CHDCND Triều Tiên đều kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh ở thành phố Vladivostok vào chiều 25-4 sẽ giúp phát triển mối quan hệ song phương và tháo gỡ bế tắc chung quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Song, hai bên không có tuyên bố chung và không ký kết văn kiện chung.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Vladimir Putin bàn về giải pháp hòa bình và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu tiên bắt tay nhau trước khi bước vào cuộc hội đàm lần đầu tiên tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở thành phố Vladivostok.
TASS dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin xác nhận, ông chủ Điện Kremlin và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp gỡ “rất tích cực, toàn diện” trong 3,5 tiếng đồng hồ, dài hơn nhiều so với 50 phút dự kiến ban đầu.
Tổng thống Putin hoan nghênh những nỗ lực của Triều Tiên trong việc phát triển đối thoại liên Triều và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Ông Putin bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un sẽ “giúp hiểu tốt hơn về những gì chúng ta nên làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên; những gì chúng ta có thể làm cùng nhau; những gì Nga có thể làm để ủng hộ tiến trình tích cực đang diễn ra hiện nay”.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho hay, ông và Tổng thống Nga đã có “cuộc trao đổi rất ý nghĩa”. Ông Kim lý giải, chuyến thăm Nga lần này nhằm gặp gỡ, chia sẻ quan điểm với Tổng thống Putin cũng như chia sẻ quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực; tổ chức các cuộc thảo luận sâu sắc về những giải pháp chiến lược trong việc theo đuổi sự ổn định về chính trị ở khu vực...
Thượng đỉnh Putin - Kim diễn ra chỉ 2 tháng sau khi cuộc gặp giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội (Việt Nam) không đạt thỏa thuận cụ thể nào. Theo hãng Reuters, trong lúc đàm phán Mỹ - Triều bế tắc, thượng đỉnh Vladivostok mở ra cơ hội để Bình Nhưỡng tìm kiếm sự ủng hộ của Moscow và nới lỏng các biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nền kinh tế của quốc gia Đông Bắc Á này. Hơn nữa, mối quan hệ thân thiết hơn với Nga mang lại cho Triều Tiên tấm bài mặc cả trong thượng đỉnh lần ba có thể diễn ra với Mỹ.
Đối với Điện Kremlin, thượng đỉnh Vladivostok là cơ hội để Moscow tăng cường vai trò, vị thế ở khu vực. Các quan chức Nga khẳng định, họ sẽ ủng hộ nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên (có sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga), một định dạng bị “bỏ quên” khi Mỹ và Triều Tiên thúc đẩy ngoại giao. Đàm phán 6 bên là cách tốt nhất để bảo đảm vai trò của Nga trong bất kỳ tiến trình nào mang lại thay đổi lớn cho khu vực.
Hãng ABC News dẫn lời ông Alexander Gabuev, người đứng đầu chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định: Thượng đỉnh Putin - Kim đưa Nga trở lại bàn cờ ngoại giao về vấn đề Triều Tiên. Cũng như Mỹ, Nga vừa phản đối tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, vừa muốn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Putin hoan nghênh các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng thúc giục Washington xoa dịu các lo ngại về an ninh của Bình Nhưỡng. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25-4, ông Putin nhấn mạnh, Bình Nhưỡng cần bảo đảm an ninh trước khi từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, trong “ngoại giao hạt nhân”, Tổng thống Putin có thể khuyến khích nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ nhưng điều này cũng cho thấy mối lo của Moscow về chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Việt Nam ủng hộ các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội ngày 25-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định lập trường của Việt Nam là ủng hộ nỗ lực đối thoại của Nga và Triều Tiên, hướng tới mục tiêu hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo này.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Việt Nam ủng hộ nỗ lực đối thoại của các bên hướng tới mục tiêu này, vì lợi ích của người dân, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên, khu vực cũng như thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
TTXVN
|
THIÊN BÌNH