Tìm thấy mảnh xác tàng hình cơ F-35 Nhật Bản mất tích

.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, ngày 10-4, đã phát hiện những mảnh vỡ nghi của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mất tích ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía Đông tỉnh Aomori.

Theo hãng tin AP, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 10-4 cho biết đã tìm thấy những mảnh vỡ có thể là từ chiếc máy bay chiến đấu F-35 đã mất tích trong chuyến bay tập luyện ngày 9-4 ở miền Bắc nước này.

Các mảnh vỡ được tìm thấy trên vùng biển nơi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar khoảng 30 phút sau khi cất cánh từ Căn cứ Không quân Misawa, cùng với 3 chiếc F-35A khác, trong một buổi huấn luyện chiến đấu chống tiêm kích địch.

Các nhà chức trách Nhật Bản vẫn đang tiếp tục tìm kiếm phi công ở độ tuổi 40, chưa được tiết lộ tên, cũng như xác định chính xác những mảnh vỡ tìm thấy có thuộc chiếc F-35 xấu số hay không. Phi công trên chiếc máy bay đã không thông báo bất cứ dấu hiệu bất thường hay gửi tín hiệu cấp cứu nào với trung tâm điều hành bay trước khi máy bay biến mất.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya tối 9-4 thông báo sẽ tạm dừng hoạt động đối với toàn bộ máy bay chiến đấu F-35A của Lực lượng Phòng vệ Trên không (JASDF) sau khi vụ tai nạn nói trên.

Theo AP, từ năm 2018, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 do Mỹ sản xuất, F-35, như một phần trong kế hoạch đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên và Trung Quốc

Tháng 12-2018, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đã lên kế hoạch tăng mạnh phi đội F-35 từ 42 chiếc lên 147 chiếc, trong đó có 105 chiếc F-35A.

Mỗi chiếc F-35, do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin sản xuất, có giá lên tới khoảng 10 tỉ Yen (126 triệu USD).

Bên cạnh Nhật Bản, nhiều đồng minh khác của Mỹ như Australia, Singapore cũng lên kế hoạch trang bị F-35 cho không quân. Năm ngoái, hai chiếc F-35A đầu tiên của Australia đã được phía Mỹ bàn giao. Australia đặt hàng tổng cộng 72 chiếc F-35 và toàn bộ số máy bay sẽ được chuyển giao dần trong những năm tới. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne khi đó cho biết, mỗi chiếc F-35 mà Australia mua có giá 124 triệu USD. Đây cũng là hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất trong lịch sử Không quân Australia, với giá trị lên tới 17 tỉ USD.

F-35, siêu tiêm kích gây nhiều tranh cãi

F-35 Lightning II là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau của dự án phát triển máy bay tiêm kích tấn công phối hợp (JSF) một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình và thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến, ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không.

Dự án JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất của Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc phát triển F-35 đã được đưa vào kế hoạch tài chính của Mỹ, Anh và các chính phủ đồng minh khác. F-35 được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác là Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman. Tổng kinh phí ước tính phục vụ nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và chế tạo số lượng máy bay 2,456 chiếc (trong đó có 14 chiếc dùng để thử nghiệm) của cả ba biến thể lên tới 406.1 tỷ USD.

Với chi phí đầu tư nghiên cứu phát triển khổng lồ, nhưng chương trình F-35 lại diễn ra không được như mong đợi và đang gặp nhiều vấn đề cũng như tranh cãi vì giá bị đội cao, chậm tiến độ cũng như gặp nhiều vấn đề khi thử nghiệm. Tính tới năm 2014, chương trình đã vượt dự toán 163 tỷ USD và chậm 7 năm so với kế hoạch. Tính tới tháng 3-2018, mới chỉ có 280 chiếc F-35 được chế tạo, tính cả những mẫu thử nghiệm, trong khi kế hoạch ban đầu là chế tạo 2.183 chiếc cho quân đội Mỹ và gần 1.000 chiếc khác để xuất khẩu từ năm 2010 cho tới năm 2035.

Tháng 10-2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh tạm ngừng bay phi đội F-35 trên toàn cầu sau vụ một chiếc F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ rơi gần một căn cứ không quân ở Nam Carolina, phi công may mắn an toàn khi nhảy dù thoát khỏi máy bay.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.