Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Mỹ vào ngày 10 và 11-4 với sứ mệnh nối lại đàm phán giữa Washington và CHDCND Triều Tiên về chương trình hạt nhân. Chuyến đi “thuyết khách” lần này sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân Kim Jung-sook rời Seoul để đến Mỹ. Ảnh: Yonhap |
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 11-4 (giờ địa phương) là động thái quan trọng đầu tiên chấm dứt sự gián đoạn của tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bày tỏ hy vọng về một kết quả có ý nghĩa đối với tiến trình phi hạt nhân hóa khi hai nhà lãnh đạo hội đàm.
Theo tờ Korean Times, ông Moon dự kiến đề nghị Tổng thống Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Nội dung mà ông Moon đề cập có thể là những biện pháp trừng phạt tác động đến người dân Triều Tiên. Nếu Mỹ nới lỏng trừng phạt, hai miền Triều Tiên có thể nối lại các dự án chung đang bị đình chỉ như mở lại khu công nghiệp ở biên giới Kaesong và các tour du lịch đến núi Kumgang ở Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng phải hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri với sự kiểm chứng của các thanh sát viên quốc tế. Hợp tác kinh tế sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, việc nối lại các dự án liên Triều trong lúc lệnh trừng phạt vẫn được duy trì sẽ làm hủy hoại liên minh giữa Hàn Quốc với Mỹ - quốc gia đã bảo đảm an ninh cho xứ sở kim chi suốt 70 năm qua.
Theo các nhà quan sát, Tổng thống Moon đối mặt với nhiệm vụ nặng nề khi chính phủ Mỹ vẫn có quan điểm cứng rắn rằng, CHDCND Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi Washington gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 mang tính lịch sử ở Singapore, ông Moon nhận được những lời khen ngợi của quốc tế với những nỗ lực ngoại giao con thoi.
Hiện nay, ông Moon chịu áp lực phải đưa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều trở lại bàn nghị sự. Sự hoài nghi về mục tiêu phi hạt nhân hóa đang gia tăng trong những nhân vật bảo thủ ở Hàn Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, Washington nhấn mạnh mong muốn Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn nhưng quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên muốn thực hiện tiến trình này theo từng giai đoạn.
Các quan chức Mỹ thậm chí chỉ trích rằng, Hàn Quốc có thể đã phóng đại cam kết phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đi quá xa trong việc thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, các cố vấn của Tổng thống Moon cho rằng, Mỹ không thể giữ quan điểm “được ăn cả, ngã về không” khi nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Hãng Bloomberg dẫn lời ông Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) cho rằng, “quả bóng” đang ở trong sân của Tổng thống Moon, tức là nhà trung gian hòa giải phải biết chính xác Triều Tiên muốn gỡ bỏ những biện pháp trừng phạt nào và Mỹ muốn Bình Nhưỡng thực hiện những biện pháp phi hạt nhân hóa nào.
Theo đó, ông Moon có thể sẽ tìm cách thuyết phục ông chủ Nhà Trắng ký một “thỏa thuận tốt” với Triều Tiên, nghĩa là có sự nhượng bộ.
Đối với Tổng thống Moon, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không mang lại thỏa thuận chỉ tạo ra “những khó khăn tạm thời”, nhưng “rõ ràng cả hai miền Triều Tiên và Mỹ đều không muốn quay về quá khứ”. Vì vậy, ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng chuyến đi “thuyết khách” này với hy vọng mở ra cánh cửa cho nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 10-4, CHDCND Triều Tiên tiến hành phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương đảng Lao động để thảo luận về “đường hướng mới” của đất nước. Hôm nay (11-4), kỳ họp thứ nhất của Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) khóa 14 của Triều Tiên khai mạc tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Các chuyên gia cho rằng, trong lúc này, Triều Tiên có thể không công bố đường hướng chính sách mới xa rời cuộc đàm phán hạt nhân với Washington, mà sẽ duy trì chính sách tập trung phát triển kinh tế.
|
PHÚC NGUYÊN