Bạo loạn bùng phát ở trung tâm thủ đô Jakarta vào đêm 21-5 làm 6 người chết và hơn 200 người khác bị thương sau khi Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) chính thức công bố kết quả bầu cử tổng thống.
Cảnh lộn xộn trên đường phố Jakarta ngày 22-5. Ảnh: AP |
Các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống diễn ra đúng như dự đoán của các nhà chức trách Indonesia. Chỉ vài giờ sau khi KPU công bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 17-4 vừa qua, những người ủng hộ cựu tướng quân đội, ứng cử viên tổng thống Prabowo Subianto tập trung xung quanh Văn phòng Trung tâm Jakarta thuộc Cơ quan Giám sát bầu cử (Bawaslu) và KPU. Bất chấp sự hiện diện của khoảng 50.000 nhân viên an ninh, những người biểu tình ném gạch, đá vào cảnh sát khiến cảnh sát phải phản ứng lại bằng việc dùng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su. Hàng chục ô-tô bị đốt cháy.
Đường phố ở Jakarta sáng 22-5 trong tình trạng ngổn ngang những đống đổ nát và vỏ xe bị cháy. Hàng chục cửa hàng phải đóng cửa trong lúc hàng trăm người biểu tình vẫn đổ xuống đường. Theo đài truyền hình TVOne, tại thành phố Medan, phía bắc đảo Sumatra, hàng trăm sinh viên biểu tình hòa bình yêu cầu điều tra về cáo buộc gian lận trong bầu cử.
Tổng thống Joko Widodo, người tái đắc cử nhiệm kỳ hai với 55,5% số phiếu ủng hộ cho biết, các nhà chức trách đã kiểm soát được tình hình bất ổn ở thủ đô Jakarta và cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn chống lại những ai kích động bạo lực. Trong sự bảo vệ của người đứng đầu quân đội và các lãnh đạo hàng đầu khác, ông Widodo khẳng định sẽ cùng làm việc với bất kỳ ai muốn phát triển đất nước, nhưng không khoan dung đối với những ai phá hoại an ninh, tiến trình dân chủ và sự thống nhất của quốc gia Đông Nam Á này. 55,5% số phiếu ủng hộ dành cho ông Widodo nghĩa là vị tổng thống 57 tuổi giành được hơn 85 triệu phiếu trong tổng số 154 triệu phiếu.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan xác nhận có 6 người chết và hơn 200 người khác bị thương. Cảnh sát đang điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của 6 trường hợp này và không loại bỏ khả năng liên quan của bên thứ ba trong việc kích động bạo loạn. Khoảng 100 phần tử bị cáo buộc đứng sau kích động đám đông gây rối, bạo loạn đã bị bắt, trong đó có những người đến từ bên ngoài Jakarta. Hãng Reuters dẫn lời cảnh sát khẳng định, việc gây bạo loạn ở thủ đô đã được lên kế hoạch và không tự phát.
Ông Prabowo, người có quan hệ mật thiết với giới tinh hoa chính trị Indonesia không chấp nhận kết quả bầu cử và tuyên bố chính ông giành chiến thắng. Trong khi đó, theo kết quả của KPU, ông Prabowo có 44,5% số phiếu ủng hộ. Cựu tướng lĩnh quân đội này cùng các thành viên trong nhóm chiến dịch của ông nói rằng đã huy động được “sức mạnh của nhân dân” trong những ngày biểu tình trên đường phố. Song, ông Prabowo kêu gọi kiềm chế bạo lực.
Đây là lần thứ hai ông Widodo và ông Prabowo cùng cạnh tranh vị trí tổng thống. Trong cuộc bầu cử năm 2014, khi thất bại, ông Prabowo cũng cáo buộc có “tình trạng gian lận mang tính hệ thống” nhưng Tòa án Hiến pháp vẫn bảo vệ chiến thắng của ông Widodo.
Lần này, ông Prabowo cũng đưa ra những chỉ trích tương tự nhưng Cơ quan Giám sát bầu cử cho rằng, những cáo buộc đều không có chứng cứ. Giới quan sát độc lập cũng khẳng định cuộc bầu cử ngày 17-4 là tự do và công bằng. Hiện nay, Tòa án Hiến pháp cho thời hạn 3 ngày để bên không chấp nhận kết quả bầu cử có thể khiếu kiện. Trong trường hợp không có khiếu kiện, đến ngày 24-5, KPU sẽ chính thức tuyên bố người thắng cử.
Thách thức đặt ra đối với Tổng thống Widodo là tìm giải pháp để giảm căng thẳng, theo nhận định của Giám đốc Dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy, Ben Bland. Ngoài ra, ở nhiệm kỳ 2, ông Widodo dự kiến tiếp tục phát triển hạ tầng, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế; tạo ra hàng triệu việc làm cho thanh niên và chú trọng vấn đề an ninh…
Trong lúc đó, Úc, Mỹ và Anh cảnh báo khách du lịch về nguy cơ bạo lực trên khắp Indonesia, đồng thời khuyến cáo công dân tránh xa những khu vực xảy ra biểu tình.
THIÊN BÌNH