Chuyến đi "hâm nóng" quan hệ Mỹ - Nga

.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thành phố Sochi tối 14-5 là sự kiện quan trọng để Washington cải thiện quan hệ với Moscow, mục tiêu mà ông Donald Trump đề ra khi còn là ứng cử viên tổng thống.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Phần Lan ngày 6-5-2019. 					            Ảnh: AFP/Getty Images
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Phần Lan ngày 6-5-2019. Ảnh: AFP/Getty Images

Ngoại trưởng Pompeo đến thành phố Sochi bên bờ Biển Đen chỉ sau gần 2 tuần Tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm hơn 1 giờ với Tổng thống Vladimir Putin và bày tỏ lạc quan về việc cải thiện quan hệ với Nga. Chuyến thăm của ông Pompeo mở ra nhiều triển vọng “hâm nóng” mối quan hệ đang lạnh nhạt giữa hai cường quốc. Động thái ngoại giao này được thúc đẩy sau khi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can dự của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã khép lại.

Trên Twitter ngày 14-5, Ngoại trưởng Pompeo viết: “Các cuộc gặp của tôi ở Nga sẽ đề cập nhiều nội dung quan trọng”. Ông lý giải, trong những nội dung được bàn thảo, có những vấn đề hai bên có thể thống nhất, có một số vấn đề chưa thống nhất nhưng nếu đó là lợi ích quốc gia thì hai nước có trách nhiệm tìm ra giải pháp.

Sau cuộc gặp “tốt đẹp” với người đồng cấp Sergei Lavrov, ông Pompeo gặp gỡ Tổng thống Putin vào tối 14-5. Hãng tin AFP cho biết, Ngoại trưởng Pompeo là quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp gỡ ông chủ Điện Kremlin kể từ tháng 7-2018, thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Helsinki (Phần Lan).

Theo AP, đàm phán hiệp ước kiểm soát vũ khí là nội dung chính trên bàn nghị sự. Tháng 2 vừa qua, Mỹ đã ngừng thực hiện những cam kết trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Mỹ cho rằng, Nga vi phạm một cách có hệ thống các điều kiện của INF, trong khi Moscow bác bỏ cáo buộc và chỉ trích Washington vi phạm hiệp ước.

Theo INF, hai nước cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Tổng thống Putin cũng đã ngừng sự tham gia của Nga trong INF. Việc hai cường quốc “ăn miếng, trả miếng” làm dấy lên quan ngại khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tổng thống Trump tuyên bố, ông muốn đàm phán về một thỏa thuận mới nhưng phải phù hợp với những điều kiện hiện tại và có sự tham gia của các nước khác, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc. Phía Nga cũng sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận mới nhưng yêu cầu cần có các cuộc thảo luận nghiêm túc về vấn đề này.

Trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 13-5 cho hay, Moscow muốn tập trung gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới (New START), thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa nước ông và Mỹ, vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.

Theo ông Ryabkov, Nga muốn bàn thảo các cam kết song phương trước khi Trung Quốc tham gia đàm phán. Moscow đang tìm cách gia hạn thêm 5 năm cho New START, tức đến năm 2026 nhưng khó tìm được tiếng nói chung với Washington. Hiệp ước này quy định số lượng đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa, máy bay ném bom hạng nặng và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mà hai nước sở hữu.

Hãng ABC News nhận định, nhất cử nhất động của Ngoại trưởng Pompeo tại Sochi sẽ được các chính trị gia ở Mỹ quan sát kỹ lưỡng, nhất là những nhân vật chỉ trích ông Trump trong Quốc hội. Theo đó, ông Pompeo cũng sẽ tìm cách “bắt tay” với Nga để cùng chống khủng bố, giải quyết các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria; hay đối phó với những thách thức khác…

Theo các nhà quan sát, rất khó để Nga và Mỹ sớm thu hẹp những bất đồng nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của Washington đang nỗ lực giúp chủ nhân Nhà Trắng tạo dựng mối quan hệ mới với Moscow, mục tiêu mà ông đặt ra khi còn là ứng cử viên tổng thống.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.