Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Keyvan Khosravi khẳng định quốc gia này sẽ không đàm phán với Mỹ khi quyền lợi không được tôn trọng.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Keyvan Khosravi. (Nguồn: tasnimnews.com) |
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 23-5, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Keyvan Khosravi khẳng định quốc gia này sẽ không đàm phán với Mỹ khi quyền lợi không được tôn trọng.
Hãng thông tấn Nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời ông Khosravi khẳng định chừng nào quyền lợi quốc gia của Iran không được đảm bảo thì con đường mà Tehran theo đuổi sẽ không thay đổi.
Người phát ngôn này kết luận Iran sẽ không đàm phán với Mỹ nếu Washington không thay đổi thái độ, đồng thời kêu gọi Mỹ từ bỏ luận điệu khiêu khích và áp dụng các biện pháp thiết thực.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Khosravi cũng cho biết đã có một số phái đoàn ngoại giao quốc tế tới Tehran, cả công khai và bí mật, nhằm tìm cách giải tỏa căng thẳng giữa Mỹ và Iran, dù phần lớn các phái đoàn này không hề đại diện cho Mỹ. Ông này nhấn mạnh các phái đoàn trên đều nhận được thông điệp rõ ràng về quan điểm của Iran chống lại các sức ép từ Mỹ một cách mạnh mẽ, hợp logic và bền bỉ.
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Oman Yusef Bin Alavi đã tới Tehran và mới đây nhất, ông Jens Plötner - Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Chính trị 2 (phụ trách khu vực Trung Đông) thuộc Bộ Ngoại giao Đức cũng đã tới thủ đô Iran để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và xoa dịu căng thẳng tại khu vực.
Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố Tehran sẽ không khuất phục trước sức ép của Mỹ và sẽ không bao giờ từ bỏ những mục tiêu của mình ngay cả khi bị tấn công.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Rouhani phát biểu tại lễ kỷ niệm cuộc chiến tranh Iran-Iraq xảy ra vào những năm 80 của thế kỷ trước, kêu gọi người dân nước này kháng chiến ngay kể cả khi kẻ thù ném bom vào lãnh thổ đồng thời hối thúc người dân bằng mọi giá kiên định mục tiêu độc lập và tự hào dân tộc.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington không ngừng leo thang sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và trong thời gian gần đây gia tăng sức ép tối đa với Tehran bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.
Căng thẳng leo thang cũng đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự, trong đó có các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông là để đối phó với điều mà Washington gọi là "các mối đe dọa từ Iran."
Việc Mỹ gia tăng sức ép là buộc Iran trở lại bàn đàm phán để sửa đổi những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 mà Mỹ cho rằng chưa đủ chặt chẽ vì chưa bao gồm chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Về phần mình, Iran luôn cho rằng Mỹ đang kích động "chiến tranh tâm lý" đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ có hành động khiêu khích. Chính quyền Tehran cũng đã thông báo tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc hồi năm 2015.
Trong diễn biến liên quan, ngày 22-5, Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ thông báo quốc gia này đã ngừng hoàn toàn hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết tháng 4-2019, quốc gia này đã giảm mạnh mức nhập khẩu dầu từ Iran xuống một triệu tấn và kết thúc hoạt động nhập khẩu từ đầu tháng 5 sau khi Mỹ tuyên bố miễn trừ trừng phạt.
Tuy nhiên, quan chức này cũng cho biết việc ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran tác động mạnh tới quốc khi này khi Iran là nhà cung cấp 10% tổng nhu cầu dầu mỏ cho Ấn Độ. Đại sứ Ấn Độ cũng khẳng định New Delhi chỉ nhìn nhận vấn đề quan hệ Mỹ-Iran từ góc độ của bên thứ 3 đồng thời kêu gọi tránh leo thang căng thẳng trong khu vực.
Theo VietnamPlus