Làn sóng dân túy trỗi dậy ở châu Âu

.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 23 đến 26-5 sẽ ảnh hưởng đến hơn 500 triệu người ở 28 quốc gia trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy và “lục địa già” đối mặt với hàng loạt vấn đề: Brexit, nhập cư, thương mại, biến đổi khí hậu...

Đảng Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini (trái) và đảng Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen “bắt tay” với mong muốn giành nhiều ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.  Ảnh: AFP
Đảng Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini (trái) và đảng Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen “bắt tay” với mong muốn giành nhiều ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP

Từ ngày 23 đến 26-5, cử tri châu Âu bỏ phiếu chọn 751 nghị sĩ của Nghị viện “siêu quốc gia” nhiệm kỳ 2019-2024 trong cuộc bầu cử được cho là quan trọng đối với việc định hình chính sách của liên minh châu Âu (EU). Đây là cuộc bầu cử dân chủ lớn thứ hai thế giới, sau cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ, đồng thời là lần bỏ phiếu thứ 9 để bầu Nghị viện châu Âu.

Hãng Reuters cho biết, Anh và Hà Lan là hai quốc gia đầu tiên tiến hành bỏ phiếu vào ngày 23-5 mặc dù Vương quốc Anh vẫn có kế hoạch rời EU. 751 ghế nghị sĩ nói trên sẽ giảm còn 705 ghế khi Anh rời EU. Hà Lan hiện chiếm 26 ghế và con số này sẽ tăng lên 29 ghế sau Brexit. Anh có 73 nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu nhưng sẽ không còn ghế nào khi hoàn tất tiến trình Brexit. Đức có số nghị sĩ đông nhất, với 96 ghế; trong khi Malta, Estonia, Cyprus và Luxemburg mỗi nước chỉ có 6 đại diện.

Theo báo The Huffington Post, chủ nghĩa dân túy với tư tưởng hoài nghi châu Âu không những sẽ làm nên chuyện mà còn đe dọa sự tồn tại của khối gồm 28 thành viên. Nhiều chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy với cam kết mang lại hơi thở mới đã vận động cử tri ngăn chặn việc hội nhập EU, gây tác động đến sự gắn kết nội khối. Dự kiến các đảng dân túy có thể giành 1/3 số ghế tại Nghị viện châu Âu, cản trở chính sách của liên minh.

Một năm trước, Ý trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên có lực lượng dân túy và chống EU nắm quyền. Sự trỗi dậy của liên minh giữa đảng cực hữu Lega và phong trào dân túy cánh tả 5 sao (M5S) ở Ý làm châu Âu lo ngại. Ngày 18-5 vừa qua, 12 đảng cực hữu ở nhiều quốc gia theo hướng hoài nghi châu Âu tập hợp tại thủ đô Rome của Ý để bày tỏ sự ủng hộ đảng Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini. Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia (Rassemblement National - RN) của Pháp cũng có mặt. Các đảng dân túy tại Đức, Hà Lan, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Slovakia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan... cũng tề tựu tại Rome.

Sự kiện tại Rome nói trên cũng đánh dấu những mâu thuẫn tồn tại giữa các lực lượng chính trị châu Âu, chủ yếu giữa cánh tả và cánh hữu, giữa xu hướng ủng hộ hay chống lại tiến trình hội nhập châu Âu, hay mâu thuẫn giữa các đảng phái trong nội bộ mỗi nước.

Tại Áo, sự sụp đổ của chính phủ liên minh quốc gia do vụ bê bối chính trị liên quan đến nguyên Phó Thủ tướng Áo kiêm Chủ tịch đảng Tự do Áo (FPO) Heinz-Christian Strache làm rung chuyển đất nước này. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz phải phê chuẩn danh sách các bộ trưởng mới để thay thế vị trí của các thành viên FPO. Những biến động này cũng được cho là ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) tuy non trẻ nhưng lần đầu tiên có vị trí nhất định trong Quốc hội. Mục tiêu của đảng này là đưa nước Đức ra khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), đẩy mạnh các hoạt động bài trừ nhập cư, chống Hồi giáo...

Trong lúc đó, châu Âu đối mặt với hàng loạt vấn đề: Anh sẽ chính thức rời EU; làn sóng di cư đổ vào lục địa này; chủ nghĩa khủng bố vẫn rình rập; chống biến đổi khí hậu; tỷ lệ thất nghiệp… Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng, EU đứng trước những thách thức chưa từng có, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên phải cùng nhau hành động để giữ vững sự đoàn kết của khối và ngăn chủ nghĩa dân túy bài EU trỗi dậy.

Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn tin rằng, tuy các đảng dân túy là ẩn số lớn nhưng Nghị viện châu Âu vẫn có chỗ chủ yếu cho các chính đảng có lập trường ôn hòa, ủng hộ việc hội nhập châu Âu.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.