Mỹ tăng thuế, Trung Quốc dọa trả đũa

.

Mỹ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán thương mại thứ 11 trong bối cảnh mức thuế mới mà Washington áp đặt đối với hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu có hiệu lực. Giới phân tích gọi đây là cuộc đọ sức quyết liệt và vấn đề gai góc giữa hai “ông lớn” sẽ khó được giải quyết.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rời Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ở Washington ngày 9-5 (giờ địa phương). 						          Ảnh: AP
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rời Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ở Washington ngày 9-5 (giờ địa phương). Ảnh: AP

Mức thuế từ 10% lên 25% được Mỹ áp đặt đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 10-5. Hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nhất của Trung Quốc liên quan tới các thiết bị modem, bộ định tuyến và thiết bị truyền dữ liệu khác trị giá 20 tỷ USD; bảng mạch in sử dụng trong sản phẩm do Mỹ sản xuất trị giá 12 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hàng nội thất, thiết bị chiếu sáng, phụ tùng ô-tô, máy hút bụi và vật liệu xây dựng cũng có tên trong danh sách tăng thuế. Phía Mỹ còn dự kiến sớm áp thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 không mang lại kết quả.

Mỹ đưa ra lý do tăng thuế là Trung Quốc đã “quay lưng” lại các cam kết trong 10 vòng đàm phán trước đây; tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại tiếp diễn nhưng quá chậm khi Bắc Kinh tìm cách đàm phán lại. Tổng thống Donald Trump muốn tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc và “sẽ không lùi bước cho tới khi Trung Quốc ngừng lừa dối và đánh cắp công việc của công dân Mỹ”.

Quyết định của ông Trump càng làm căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang, gia tăng sức ép lên vòng đàm phán thứ 11 đang diễn ra tại Washington. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington với kỳ vọng tìm kiếm một thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề gai góc với Mỹ. Ông Lưu Hạc đề cập quan điểm của chính phủ Trung Quốc rằng, việc tăng thuế không phải là giải pháp cho mọi vấn đề và điều này sẽ có hại không chỉ đối với Bắc Kinh, Washington, mà còn với toàn thế giới.

Tuy nhiên, ngày đàm phán đầu tiên (ngày 9-5) đã kết thúc và chính phủ Mỹ không đảo ngược quyết định tăng thuế lên 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã gặp phái đoàn Trung Quốc trong 90 phút vào tối 9-5 (trưa 10-5, giờ Việt Nam).

Ngay lập tức, Bộ Thương mại Trung Quốc và phái đoàn của Bắc Kinh tham gia đàm phán bày tỏ “vô cùng lấy làm tiếc” về động thái tăng thuế của Mỹ, đồng thời cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết.

Kết thúc phiên giao dịch 9-5, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống. Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 0,5%, xuống 25.828,36 điểm; chỉ số S&P 500 cũng mất 0,3%, xuống 2.870,72 điểm.

Thực tế, kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018 bắt đầu từ sự “châm ngòi” của Washington, hai nước đã liên tiếp “ăn miếng trả miếng” việc áp thuế lẫn nhau. Trong lúc hai bên còn nhiều vướng mắc về mở cửa thị trường, quyền sở hữu trí tuệ, thao túng tiền tệ…, Tổng thống Mỹ muốn duy trì các mức thuế bổ sung cho đến khi Bắc Kinh thực thi đầy đủ các cam kết. Trong khi đó, Bắc Kinh muốn Washington dỡ bỏ ngay lập tức các mức thuế bổ sung sau khi một thỏa thuận thương mại song phương được ký kết.

Chưa rõ Mỹ hay Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu căng thẳng thương mại kéo dài. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ tổn thất nhiều hơn Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay. Chuyên gia kinh tế Robert E. Scott tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) nhận định, Trung Quốc thiệt hại hơn Mỹ 7 lần và nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ bị tác động nhỏ.

Cũng theo ông Scott, Mỹ có thể có những nhượng bộ nhưng không đáng kể và tiến trình đàm phán sẽ còn nhiều trắc trở. Ông Michael Taylor, Giám đốc điều hành tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service tin tưởng Mỹ và Trung Quốc cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại, nhưng kịch bản xấu là đàm phán có nguy cơ đổ vỡ.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.