Mỹ từng xem Trung Quốc và Nga là trọng tâm cần đối phó trong chiến lược quốc phòng quốc gia mới. Tuy nhiên, căng thẳng với Iran có thể làm Mỹ phải giảm sự tập trung này và “xoay trục” sang Trung Đông.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan (trái) và Ngoại trưởng Mike Pompeo trả lời với báo giới sau khi phát biểu với các thượng nghị sĩ Mỹ về vấn đề Iran vào ngày 21-5. Ảnh: Reuters |
Ngày 28-5, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan bắt đầu đến châu Á để có bài phát biểu về chính sách lớn ở khu vực. Theo đó, ông Shanahan sẽ dừng chân ở các nước Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng các chuyên gia cho rằng, căng thẳng đang leo thang với Iran có thể làm thay đổi chiến lược của Mỹ.
Hãng Reuters cho biết, tháng 1-2018, khi công bố chiến lược quốc phòng, Mỹ xác định các mối đe dọa cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng của mình chính là Trung Quốc và Nga, hai quốc gia đang tìm cách tạo ra một thế giới phù hợp với mô hình của chính họ. Lúc đó, Mỹ đã thay đổi những ưu tiên sau hơn 1,5 thập niên tập trung vào cuộc chiến chống các chiến binh Hồi giáo.
Trong ngày đầu tiên nhậm chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 1-2019, ông Shanahan cũng đề cập mối quan tâm đến Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng đang leo thang với Iran có thể làm thay đổi sự tập trung này. Quân đội Mỹ xem Iran là mối đe dọa nên thời gian qua đã triển khai hàng trăm binh sĩ cùng các tên lửa Patriot, máy bay ném bom, các tàu sân bay đến Trung Đông. Ngày 24-5, Mỹ tuyên bố triển khai thêm 1.500 binh sĩ đến Trung Đông và mô tả đây là nỗ lực nhằm tăng cường phòng thủ để chống lại Iran trong lúc Washington cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các vụ tấn công những tàu chở dầu của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Dĩ nhiên việc triển khai lực lượng nói trên rất ít so với gần 70.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở khắp Trung Đông và Afghanistan, đồng thời cũng không đủ để thay đổi chính sách của Lầu Năm Góc; đợt tăng quân này chỉ để phục vụ các căn cứ vừa mở rộng ở Iraq và Qatar. Song, hãng Reuters cho rằng, một giai đoạn căng thẳng mới có thể trở lại.
Một quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng các biện pháp mang tính răn đe đang được Mỹ sử dụng như điều máy bay và tàu đến khu vực sẽ đủ để ngăn chặn một cuộc xung đột với Iran.
Trong khi đó, ngày 27-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố nước này không thấy triển vọng đàm phán với Mỹ. “Iran không quan tâm đến những lời nói, điều chúng tôi quan tâm là sự thay đổi trong cách tiếp cận và hành vi”, ông Mousavi nhấn mạnh.
Tổng thống Donald Trump hiện để ngỏ khả năng ký kết thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Tehran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nước Cộng hòa Hồi giáo đã ký với nhóm cường quốc P5+1 hồi năm 2015, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Theo ông Elbridge Colby, Giám đốc chương trình quốc phòng Trung tâm An ninh mới của Mỹ, với những động thái trong thời gian qua, Washington phải “ở lại” Trung Đông trong khi vẫn xem châu Á là “viên ngọc quý”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran phủ bóng hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Arab và vùng Vịnh do Saudi Arabia chủ trì trong tuần này tại Mecca, thành phố thánh địa của người Hồi giáo. Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ, muốn tạo ra một mặt trận thống nhất để chống lại Iran. Ông Hussein Ibish, học giả tại Viện Các quốc gia Vịnh Arab ở Washington (Mỹ) nói rằng, Riyadh hướng đến củng cố sự ủng hộ của Arab và Hồi giáo cho mục tiêu đối đầu hay ngoại giao. |
PHÚC NGUYÊN