Thủ tướng Anh từ chức, Brexit thêm khủng hoảng

.

Việc Thủ tướng Anh Theresa May quyết định từ chức vào ngày 7-6 sẽ làm vấn đề Brexit khủng hoảng hơn nữa, bởi nhà lãnh đạo mới có thể thúc đẩy thỏa thuận Brexit quyết liệt và nước Anh càng thêm đối đầu với Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Theresa May phát biểu từ chức trong nước mắt.  		Ảnh: AFP/Getty Images
Thủ tướng Theresa May phát biểu từ chức trong nước mắt. Ảnh: AFP/Getty Images

Trước cửa văn phòng Thủ tướng Anh ngày 24-5, bà Theresa May đọc thông báo từ chức trong nước mắt và bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể hoàn tất tiến trình Brexit. Bà nói rằng sẽ rời cương vị Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7-6 nhưng sẽ làm Thủ tướng tạm quyền cho đến khi bầu chọn lãnh đạo mới.

“Tôi sẽ nhanh chóng rời vị trí đã trở thành niềm vinh dự trong đời tôi, nữ thủ tướng thứ hai (của nước Anh) nhưng chắc chắn không phải cuối cùng. Tôi từ chức với sự biết ơn to lớn vì đã có cơ hội phục vụ đất nước mà tôi yêu quý”, bà May nói.

Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có thủ tướng mới. Theo hãng tin Reuters, việc bà May từ chức càng làm vấn đề Brexit thêm khủng hoảng bởi nhà lãnh đạo mới có thể quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy nước Anh rời EU, đồng thời làm gia tăng khả năng đối đầu với khối gồm 28 thành viên cũng như một cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra với kết quả khó dự đoán.

Năm 2016, khi Thủ tướng David Cameron từ chức, bà May đã đánh bại các chính trị gia nổi tiếng hơn, trong đó có ông Boris Johnson, để trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Vương quốc Anh (sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher) với mục tiêu đưa đất nước này rời EU. Ba năm sau, Vương quốc Anh vẫn ở lại EU nhưng sự nghiệp của bà May tại nhà số 10 phố Downing đến hồi kết. Quá nhiều áp lực dồn lên bà trong tiến trình Brexit.

Theo hãng AP, lịch sử sẽ nhớ đến bà May, nhà lãnh đạo đã đối mặt với vô số khó khăn kể từ cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6-2016, nhất là việc đàm phán về những điều khoản cho Brexit, bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân và Bắc Ireland.

Quốc hội Anh đã liên tục bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đã vất vả lắm mới đạt được với giới chức EU, khiến bà sau đó phải tiếp tục thương lượng hết lần này đến lần khác với Brussels, đồng thời tìm cách thuyết phục Quốc hội. Song, kế hoạch đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu lần cuối tại Hạ viện vào đầu tháng 6 tới là giọt nước tràn ly, khiến các phe phái trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền chỉ trích và gây áp lực mạnh mẽ buộc bà May từ chức.

Đến nay, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit vẫn được hoãn, có thể hoãn vô thời hạn, thay vì diễn ra vào đầu tháng 6 tới. Trong lúc đó, nhiều ứng cử viên có thể thay thế bà May mong muốn rời EU mà không có thỏa thuận.

Câu hỏi đặt ra là Brexit sẽ đi theo hướng nào? Theo AFP, kịch bản thứ nhất là đàm phán lại thỏa thuận. Những người theo đường lối cứng rắn cho rằng, thỏa thuận Brexit của bà May có quá nhiều nhượng bộ. Song, chưa rõ nhà lãnh đạo mới có đàm phán lại thỏa thuận này hay không, nhưng chưa hẳn EU muốn đàm phán lại.

Kịch bản thứ hai là hoãn thời điểm Anh rời EU. Việc Anh rời “mái nhà chung” được dự kiến vào ngày 29-3 nhưng các nhà lãnh đạo EU đã lùi thời hạn đến ngày 31-10. Hiện có những dấu hiệu cho thấy EU sẽ chấp nhận đưa ra thời hạn mới.

Hãng AFP cũng cho rằng, nhiều khả năng có một kịch bản khác: Anh rời EU vào ngày 31-10 trong tình trạng “tay trắng”. Đảng Brexit của ông Nigel Farage và những người Bảo thủ theo đường lối cứng rắn ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond phản đối việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận, đồng thời cảnh báo về các tác động ngắn hạn và lâu dài, nhất là về kinh tế, nếu không đạt thỏa thuận Brexit.

Một kịch bản khác là Anh có quyền đơn phương ngừng Brexit bất kỳ lúc nào bằng cách thu hồi điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon (điều khoản quy định những thủ tục chính thức để một quốc gia thành viên rời EU). Song, 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý, việc ngừng Brexit được cho là điều không thể, trừ khi Anh tổ chức trưng cầu dân ý lần hai và đa số người dân chọn ở lại EU. Hiện nay, đảng Bảo thủ phản đối trưng cầu dân ý lần hai, còn Công đảng vẫn mơ hồ về phương án này.

Ai thay thế bà May?

Ứng cử viên sáng giá nhất kế nhiệm bà Theresa May được nhắc đến là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson (54 tuổi). Ngoài ra, nhiều gương mặt khác có thể trở thành thủ tướng Anh như: cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, Ngoại trưởng Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd...

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.