Tiền đề để cải thiện quan hệ

.

Sự “băng giá” trong quan hệ Nga - Mỹ vài năm trở lại đây đã tác động sâu sắc đến hai bên và chính trường thế giới. Từ khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump đã muốn Mỹ “cài đặt” lại mối quan hệ với Nga. Thực tế, các cuộc gặp thượng đỉnh chính thức và không chính thức giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump đã diễn ra để tìm kiếm các mối quan hệ nhưng không thành công.

Trong khi đó, cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 làm tan biến mọi hy vọng. Không những vậy, với lực lượng chống Nga chiếm ưu thế ở Quốc hội Mỹ, Washington tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt Moscow về kinh tế cũng như nhằm vào các tổ chức, cá nhân…

Ở khía cạnh không kém phần quan trọng liên quan đến quốc phòng, với cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ đã đơn phương chấm dứt thực thi thỏa thuận này từ tháng 2-2019. Nga cũng tuyên bố chấm dứt hiệu lực INF, đẩy thế giới đứng trước cuộc chạy đua vũ trang mới.

Tuy nhiên, báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 được công bố chính thức kết luận “không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự thông đồng giữa nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga” đã phần nào giải tỏa sự bức bối của chủ nhân Nhà Trắng. Vì vậy, ông Trump đã chủ động điện đàm với ông Putin để thảo luận về nhiều vấn đề song phương và quốc tế.

Đáng chú ý, ngày 14-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm Nga, hội đàm với người đồng cấp Nga Lavrov và hội kiến Tổng thống Putin tại Sochi nhằm tìm giải pháp “cài đặt” lại mối quan hệ song phương. Chuyến thăm này là một tiền đề thúc đẩy những nỗ lực thu hẹp sự khác biệt giữa hai nước, từ đó cải thiện mối quan hệ song phương, như ông Pompeo khẳng đinh: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi muốn thử sức tìm ra những con đường - nơi hai nước có thể đạt được sự tiến bộ, nơi chúng tôi có những lợi ích chồng chéo. Hy vọng chúng tôi sẽ đạt được điều gì đó”.

Chính Tổng thống Trump đã thừa nhận, hợp tác với Nga hay với Trung Quốc là dấu hiệu tích cực. Còn ông Pompeo nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng, hai nước có thể không đồng thuận về mọi thứ, nhưng vẫn có chỗ cho sự hợp tác, nhất là trong hoạt động chống khủng bố và không phổ biến hạt nhân.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Nga, đã đến lúc Moscow và Washington bắt đầu hướng hợp tác mới mang tính xây dựng; và Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Moscow mong muốn “khôi phục hoàn toàn” quan hệ với Washington.  Nga hiện không tập trung vào những phương diện tiêu cực trong quan hệ song phương, mà sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp khắc phục những vấn đề tồn tại, đồng thời tin tưởng mối quan hệ giữa hai cường quốc chắc chắn sẽ được cải thiện vì nó đáp ứng lợi ích của cả hai bên.

Dư luận không mong chờ một kết quả cụ thể và có hiệu lực ngay lập tức nào từ chuyến thăm mang tính chất “tạo tiền đề” của ông Pompeo, nhưng có lẽ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller đã khép lại những ồn ào, và Mỹ hy vọng có được sự hợp tác tốt đẹp hơn với Nga. Có thể hai bên sẽ đạt được nhiều bước tiến, chẳng hạn về vấn đề Afghanistan, hoặc trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí mà chính ông Trump đã nói: “Tôi nghĩ chúng tôi có thể sẽ sớm khởi động một điều gì đó mà ban đầu là giữa Nga với chúng tôi, sau đó có thể bổ sung Trung Quốc. Chúng tôi sẽ bàn về việc không phổ biến vũ khí, bàn về thỏa thuận hạt nhân, và tôi nghĩ sẽ là một thỏa thuận rất đầy đủ”…

Những dấu hiệu đó cho thấy, Mỹ đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga để cùng giải quyết hàng loạt các vấn đề song phương cũng như những điểm nóng trên thế giới vốn không thể thiếu vai trò của Moscow.

TUYẾT MINH 

;
;
.
.
.
.
.