Hàng loạt tờ báo Trung Quốc, trong đó có Nhân dân nhật báo, đăng các bài viết tiết lộ khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng đất hiếm làm “vũ khí” uy lực nhất để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang leo thang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (áo đen, hàng trước) cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc (áo đen, hàng sau) thăm nhà máy đất hiếm tại Cám Châu, tỉnh Giang Tây ngày 20-5. Ảnh: THX |
Ủy ban Hoạch định chính sách kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc cũng như các kênh truyền thông nhà nước của cường quốc châu Á này đều tiết lộ khả năng Bắc Kinh có thể hạn chế đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ. Nếu điều này trở thành hiện thực, nhiều ngành công nghiệp công nghệ, quốc phòng và sản xuất của Mỹ sẽ gặp khó khăn, thậm chí tê liệt.
Đất hiếm (REE - Rare Earth Element) - nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học - là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc sang Mỹ. Mặc dù chỉ được sử dụng với một lượng rất nhỏ trong các sản phẩm, nhưng đất hiếm là thành phần không thể thiếu trong quá trình sản xuất nhiều loại vật dụng khác nhau, từ bóng đèn đến tên lửa dẫn đường, máy bay chiến đấu…
Những thông tin đồn đoán về khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng đất hiếm làm vũ khí đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại dấy lên từ tuần trước, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cùng có chuyến công tác tới một nhà máy sản xuất đất hiếm tại tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc vào ngày 20-5. Tờ Thời báo Hoàn cầu gọi chuyến thăm này của ông Tập “như một dạng thức đòn bẩy cho Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ”.
Giới quan chức Bắc Kinh tiếp tục “đổ thêm dầu” vào những đồn đoán khi đề cập chủ đề “đất hiếm” trong một loạt bài báo đăng trên các phương tiện truyền thông nhà nước và cả những bình luận trên mạng xã hội. Tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 29-5 đăng bài xã luận tựa đề “Nước Mỹ, đừng đánh giá thấp khả năng phản đòn của Trung Quốc”, trong đó nói tới khả năng Trung Quốc cắt nguồn cung đất hiếm với Mỹ.
Nếu Bắc Kinh thực sự triển khai loại “vũ khí đất hiếm” sẽ gây tác động mạnh mẽ đến các nhà sản xuất của Mỹ. “Trung Quốc có thể đánh sập gần như mọi dây chuyền sản xuất ô-tô, máy tính, smartphone và máy bay bên ngoài Trung Quốc nếu họ chọn phương án cấm vận các kim loại này”, ông James Kennedy, Chủ tịch tổ chức Three Consulting, từng nêu quan điểm như vậy trong ấn phẩm National Defense của Mỹ.
Trong quá khứ, Trung Quốc từng bị cáo buộc sử dụng đất hiếm làm đòn bẩy lợi thế nhằm đạt các mục tiêu về kinh tế, chính trị. Năm 2014, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra phán quyết rằng, Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc thương mại toàn cầu khi hạn chế lượng hàng xuất khẩu đất hiếm.
Khi đó, Trung Quốc dẫn lý do giảm bớt những tổn thất môi trường từ hoạt động khai thác đất hiếm và nhu cầu bảo tồn tài nguyên để đưa ra những hạn chế xuất khẩu. Song Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đệ đơn phản đối lên WTO, cáo buộc Bắc Kinh cản trở xuất khẩu để tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghệ nội địa. 4 năm trước, các nguồn tin của đài Channel News Asia cho biết, Trung Quốc cũng tạm thời cắt nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản vào năm 2010 trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ gia tăng giữa hai nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc của Nhật.
Dẫu thế, một số chuyên gia cho rằng, có thể tại thời điểm này Trung Quốc chưa sử dụng ngay vũ khí đất hiếm. Bất kỳ lệnh cấm nào được đưa ra lúc này cũng có thể kích động cuộc tìm kiếm nguồn cung đất hiếm thay thế và Trung Quốc không phải là nước duy nhất trên thế giới có trữ lượng đất hiếm lớn, mặc dù trữ lượng đất hiếm của Bắc Kinh chiếm khoảng 37% tổng trữ lượng đất hiếm toàn cầu.
Về phía Mỹ, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Trung tá không quân Mike Andrews, cơ quan này đã gửi báo cáo đến Nhà Trắng và thông báo với Quốc hội, đề xuất xin hỗ trợ ngân sách liên bang nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất đất hiếm trong nước và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Báo South China Morning Post ngày 30-5 cho biết, hiện có tổng cộng 143 thực thể của Trung Quốc bị đưa vào “danh sách đen thương mại” của Mỹ, hầu hết liên quan các lĩnh vực như điện tử, hàng không, chất bán dẫn, kỹ thuật và những nguyên liệu được dùng cho linh kiện công nghệ cao, trong đó có tập đoàn Huawei… |
Trung Quốc là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 90% tổng lượng đất hiếm sản xuất trên toàn cầu. Theo hãng tin Bloomberg, Mỹ đang phụ thuộc tới 80% vào lượng đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, các nước khác cũng cung cấp đất hiếm gồm: Úc, Estonia, Pháp, Nhật Bản… |
TRẦN ĐẮC LUÂN