Việc một số tàu, trong đó có 2 tàu chở dầu, bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) làm dấy lên căng thẳng ở vùng Vịnh. Giá dầu lập tức tăng do lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn.
Cảng Fujairah của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cách eo biển chiến lược Hormuz khoảng 140km về phía nam. Ảnh: Iran Herald |
UAE ngày 12-5 xác nhận việc 4 tàu thương mại mang nhiều quốc tịch vừa bị “tấn công phá hoại” tại vịnh Oam, phía đông cảng Fujairah, bên ngoài eo biển Hormuz. Bộ Ngoại giao UAE cho rằng, hành động này tuy không gây thương vong nhưng là “diễn biến nguy hiểm” bởi đe dọa tính mạng của các thủy thủ. UAE không quy trách nhiệm cho quốc gia nào gây ra vụ việc và đang phối hợp với các cơ quan trong nước cũng như quốc tế điều tra.
Trong khi đó, hãng thông tấn SPA dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih ngày 13-5 cho biết, 2 tàu chở dầu của nước này đã bị “tấn công phá hoại” ở ngoài khơi thành phố cảng Fujairah. Trong đó, một tàu đang trên đường vận chuyển dầu thô của Saudi Arabia từ cảng Ras Tanura đến các khách hàng của Công ty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco tại Mỹ.
Vụ tấn công không gây thương vong hay rò rỉ dầu nhưng làm hư hại nghiêm trọng cấu trúc tàu. Song, chưa rõ đây có phải là 2 trong số 4 tàu nói trên hay không. Saudi Arabia chỉ trích hành vi phá hoại nhằm vào các tàu thương mại và dân sự nói trên, cho rằng hành động phạm tội này đe dọa an toàn hàng hải, tác động tiêu cực đến an ninh khu vực và quốc tế. Saudi Arabia còn nhận định, đây là một nỗ lực phá hoại an ninh nguồn cung dầu toàn cầu.
Saudi Arabia và UAE là những nhà sản xuất dầu lớn thứ nhất và thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Cảng Fujairah của UAE cách eo Hormuz khoảng 140km về phía nam. Eo biển này có vị trí chiến lược bởi là nơi trung chuyển khoảng 1/3 lượng dầu mỏ xuất khẩu bằng đường biển.
Hầu hết lượng dầu xuất khẩu của Saudi Arabia, Iraq, UAE, Kuwait, Qatar và Iran, tức ít nhất khoảng 15 triệu thùng dầu/ngày, được vận chuyển qua eo Hormuz. Trong căng thẳng với Mỹ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, Tehran liên tục dọa đóng cửa eo biển này. Nay Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi tiến hành điều tra vụ tấn công và yêu cầu có thêm thông tin về diễn biến chính xác của vụ việc.
Theo Reuters, thị trường dầu mỏ đã phản ứng lập tức sau vụ tấn công các tàu chở dầu. Giá dầu châu Á tăng trong phiên chiều 13-5 do những lo ngại nguồn cung ở khu vực khai thác dầu trọng điểm tại Trung Đông sẽ gián đoạn. Tại thị trường Singapore, giá dầu Brent tăng 0,5% lên 71,71 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,1% lên 62,45 USD/thùng.
Vụ tấn công xảy ra sau khi Cơ quan Hàng hải Mỹ cảnh báo Iran có thể nhằm vào việc vận chuyển hàng hóa trên biển, cụ thể là các tàu thương mại, tàu chở dầu, tàu quân sự Mỹ trên Biển Đỏ, eo Bab-el-Mandeb hoặc vịnh Persian. “Từ đầu tháng 5, sau khi đe dọa đóng eo biển Hormuz, Iran có thể chống lại lợi ích của Mỹ và các đối tác, trong đó có cơ sở hạ tầng dầu mỏ”, cảnh báo nêu rõ.
Hãng tin Bloomberg bình luận, diễn biến mới nhất ở vùng Vịnh là dấu hiệu của những tác động chính trị đối với thị trường dầu mỏ khi Mỹ hồi đầu tháng này chấm dứt quy chế miễn trừ cho 8 nước và vùng lãnh thổ được tiếp tục mua dầu thô của Iran. Saudi Arabia và UAE ủng hộ mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Khi chấm dứt quy chế miễn trừ đối với 8 nước, Washington nói rằng Riyadh và Abu Dhabi sẽ bù đắp lượng cung dầu thiếu hụt.
Cũng theo Bloomberg, giá dầu tăng trong những tuần gần đây một phần cũng do ảnh hưởng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Song, rủi ro địa chính trị ở Trung Đông là nguyên nhân chính khiến dầu hiện tăng giá. Nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS Group AG cho rằng, thị trường dầu mỏ đang phản ứng rất nhạy cảm với nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
PHÚC NGUYÊN