G20 ngổn ngang thách thức

.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ chính thức khai mạc tại Osaka (Nhật Bản) vào sáng 28-6. Ba chủ đề chính được nước chủ nhà đề ra là: tìm giải pháp để duy trì, củng cố trật tự quốc tế cho một nền thương mại tự do và công bằng; sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và những thách thức; giải quyết các thách thức về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Trong một bài viết mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho rằng: “Chủ đề 1 và 2 - thương mại và kỹ thuật số - không thể tách khỏi việc cải cách của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đó là vấn đề không cần phải nói thêm. WTO được thành lập từ 1/4 thế kỷ qua. Trong thời gian đó, nền kinh tế thế giới thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhưng WTO đã không theo kịp thời và những tác động bất lợi của việc này đang ngày càng trở nên rõ ràng”.

Rồi ông Abe đặt câu hỏi: Chúng ta nên làm gì để WTO có liên quan trở lại như người bảo vệ nền thương mại quốc tế tự do và công bằng?”. Nhà lãnh đạo Nhật Bản dẫn chứng: “Các chuỗi cung ứng lớn lao thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm nay đang dừng lại trong ASEAN. Các nền kinh tế trong khu vực đã được hưởng lợi từ môi trường mà người dân và hàng hóa lưu thông xuất nhập một cách tự do. Chính sự tự do này tạo ra sự năng động và thịnh vượng ngày càng tăng cho khối ASEAN”.

Cũng về vấn đề thương mại tự do, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Trương Quân cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ và chính sách đơn phương đều gây tổn hại đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, làm “xói mòn” chuỗi giá trị toàn cầu và tác động tiêu cực đến lòng tin của thị trường. Do đó, Trung Quốc sẽ hợp tác với nền kinh tế G20 để ủng hộ chủ nghĩa đa phương và một trật tự thương mại toàn cầu mở, dựa trên các quy định.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự của Thủ tướng Abe tại G20 chắc chắn sẽ không thu hút dư luận bằng 3 trong số hàng loạt cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị.

Một là cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình trong bối cảnh xảy ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận.

Hiện có nhiều dự đoán khác nhau rằng, lần gặp thượng đỉnh này là chính thức hay không chính thức; các cuộc thảo luận giữa họ có giải quyết được tranh chấp thương mại hay không. Bắc Kinh duy trì quan điểm: không muốn có cuộc chiến thương mại với Mỹ nhưng sẽ “đấu tranh đến cùng” để bảo vệ vững chắc các lợi ích và quyền phát triển hợp pháp của mình.

Hai là, cuộc gặp Donald Trump - Vladimir Putin cũng gây chú ý bởi quan hệ giữa hai nước này tuy căng thẳng, nhưng quan hệ cá nhân giữa ông Trump và ông Putin được cho là vẫn tốt đẹp.

Các vấn đề trong nước đối với ông Trump đều xuất phát từ báo cáo của luật sư đặc biệt Robert Mueller và cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Dù vậy, ông Trump và ông Putin vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp và họ luôn thể hiện sự thân thiện khi gặp nhau. Mỹ và lịch sử Chiến tranh Lạnh bảo đảm rằng, bất kỳ cuộc gặp song phương nào giữa Mỹ và Nga cũng đều có ý nghĩa.

Ba là, cuộc gặp Donald Trump - Recep Tayyip Erdogan diễn ra trong lúc căng thẳng giữa hai nước đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang do Ankara mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 mới nhất của Moscow. Cuộc gặp này có thể là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn Quốc hội Mỹ ra quyết định trừng phạt Ankara vì thương vụ vũ khí. Mặc dù các biện pháp trừng phạt có thể bị hạn chế, có lẽ chỉ nhắm vào những người tham gia thỏa thuận S-400, nhưng sẽ là lần đầu tiên các biện pháp như vậy được triển khai chống lại một đồng minh NATO. Còn đối với Nga, thương vụ S-400 đánh dấu thành công lớn nhất của nước này trong nỗ lực phá vỡ liên minh NATO.

Vì thế, dư luận quốc tế đang hướng về Osaka để xem các nhà lãnh đạo G20 giải quyết những thách thức song phương và đa phương như thế nào.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.