G20 ưu tiên giải quyết rác thải nhựa

.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức vào ngày 28 và 29-6 tại Osaka (Nhật Bản), nước chủ nhà muốn ưu tiên giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở các đại dương - loại ô nhiễm mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang tìm cách xử lý.

Hãng Reuters dẫn lời 2 quan chức giấu tên cho biết, hội nghị lần này có thể không đạt được thỏa thuận về mục tiêu hay các bước đi cụ thể đối với vấn đề rác thải nhựa. Thay vào đó, các Bộ trưởng Môi trường của G20 có thể sẽ đề xuất giải pháp - “kế hoạch hành động” để xử lý rác thải nhựa đại dương, vốn được đưa ra từ hội nghị G20 thượng đỉnh tại Đức năm 2017.

Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành luật cấm sử dụng 10 loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần (trong đó có ống hút, nĩa, dao) trước năm 2021. Các nước thành viên EU phải tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025 và các nhà sản xuất đồ nhựa phải đóng góp chi phí quản lý rác thải. EU cũng đặt ra mục tiêu tái chế toàn bộ bao bì nhựa (nguồn rác nhựa lớn nhất) trước năm 2030. Song, theo nhà tư vấn chính sách nhựa toàn cầu Neil Tangri (Mỹ), có thể các nhà lãnh đạo G20 hiện không coi trọng việc giảm sản xuất sản phẩm nhựa bằng quản lý rác thải. “Vấn đề sản phẩm nhựa cần phải được giải quyết từ gốc rễ”, ông Tangri nói.

Tại châu Á - nơi sản xuất nhiều sản phẩm nhựa nhất và thải ra nhiều rác thải nhựa nhất trong tổng số khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, vấn đề chống rác thải nhựa ít được quan tâm hơn. Với Nhật Bản, dù không phải là nước thải ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhưng đất nước này là nơi có lượng tiêu thụ bao bì nhựa tính trên đầu người lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tokyo đang soạn thảo dự luật yêu cầu các nhà bán lẻ phải tính tiền khách hàng nếu dùng túi nhựa, đồng thời dự định làm các bục nhận huy chương tại Olympics Tokyo 2020 bằng nhựa tái chế nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.

Hai quốc gia thải nhiều rác nhựa đại dương nhất thế giới là Trung Quốc và Indonesia đều nằm trong nhóm G20. Từ đầu năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu rác, khiến nhiều nhà tái chế chuyển cơ sở sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực, nhất là Đông Nam Á.

PHONG LAN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.