Hòa bình Trung Đông: Bài toán khó!

.

Trong lúc Mỹ chưa chính thức công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, việc Israel đặt tên một thị trấn mới ở cao nguyên Golan là “Cao nguyên Trump” (Trump Heights) càng “phủ bóng ” lên “ Thỏa thuận thế kỷ”.  

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại lễ đặt tên “Cao nguyên Trump” (Trump Heights). 					Ảnh: Reuters
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại lễ đặt tên “Cao nguyên Trump” (Trump Heights). Ảnh: Reuters

Israel phê chuẩn việc đặt tên một khu tái định cư mới tại cao nguyên Golan bị chiếm đóng là “Cao nguyên Trump” vào ngày 16-6 (giờ địa phương) nhằm củng cố mối quan hệ với Mỹ sau khi Washington công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Nhà nước Do Thái hồi tháng 3 vừa qua, bất chấp sự phản đối của các cường quốc. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn cảm ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump - “người bạn tuyệt vời của Israel” và gọi thời điểm diễn ra sự kiện này là “ngày lịch sử”.

Hãng AFP cho biết, tấm bảng có chữ “Cao nguyên Trump” bằng tiếng Anh và tiếng Do Thái đã được gắn ở khu tái định cư nói trên, cùng với quốc kỳ Mỹ và Israel nằm chéo lên nhau. Trên mạng Twitter, Tổng thống Trump cảm ơn ông Netanyahu và Israel.

Cao nguyên Golan có diện tích 1.000km2, nằm cách thủ đô Damascus của Syria khoảng 60km về phía tây nam. Trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967, Israel chiếm giữ cao nguyên Golan từ Syria. Tháng 3-2019, Mỹ là quốc gia đầu tiên công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel mặc dù cộng đồng quốc tế không công nhận việc Tel Aviv sáp nhập cao nguyên này và muốn giữ nguyên hiện trạng.

Các đối thủ của ông Netanyahu chỉ trích việc công bố khu định cư “cao nguyên Trump” là “chính sách giả mạo” bởi không có kế hoạch, không có ngân sách, không có địa điểm cụ thể cho khu tái định cư và cũng không có quyết định nào mang tính ràng buộc để thực hiện dự án.

Giới phân tích cũng nhận định, động thái mới nhất của Israel chỉ mang tính hình thức chứ không có giá trị về pháp lý. Hơn nữa, ông Netanyahu hiện đứng đầu chính phủ lâm thời nên không có quyền cho phép xây dựng khu tái định cư ở cao nguyên Golan.

Điều đáng nói là việc đặt tên “Cao nguyên Trump” diễn ra trong lúc kế hoạch hòa bình Trung Đông (còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”) mà Mỹ dự kiến công bố tại hội nghị kinh tế ở Manama (Bahrain) vào ngày 25 và 26-6 vấp phải những hoài nghi. Theo đó, Washington có thể phải chờ sau khi Israel tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 9 tới hoặc tiếp tục chờ đến tháng 11 mới công bố kế hoạch này.

Palestine hiện phản đối gay gắt và kêu gọi các nước Arab tẩy chay hội nghị Manama, đồng thời bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông. Diễn đàn ở Manama mang chủ đề “Từ hòa bình tới thịnh vượng” do Mỹ chủ trì nhằm bàn thảo về việc hỗ trợ kinh tế cho Palestine. Tuy nhiên, các nhà chức trách Palestine cho rằng, Washington và Israel đang tiến hành cuộc chiến tài chính nhằm vào chính quyền và người dân lãnh thổ này, trong đó chủ yếu cắt nguồn quỹ tài trợ hằng năm cho Cơ quan của Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA).

Kế hoạch hòa bình Trung Đông được Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, cũng là con rể của ông Trump và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt soạn thảo trong 2 năm qua gồm hai phần kinh tế và chính trị, nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Song, kế hoạch không đề cập giải pháp hai nhà nước, điều cốt lõi mà phía Palestine cho là sẽ mang lại hòa bình chính đáng và lâu dài.

Hơn nữa, đối với Palestine, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này; đóng cửa Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington; công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Nhà nước Do Thái đều là những động thái thiên vị Israel, gây sức ép và phớt lờ những mong muốn của người Palestine thì cường quốc hàng đầu thế giới không thể là trung gian hòa giải - nhà kiến tạo hòa bình với một “thỏa thuận thế kỷ”.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.