Một trường học ở Đông Bắc Ấn Độ đã tìm ra biện pháp mới để giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa bằng cách nhận rác thay học phí.
Học sinh xách theo túi rác đến trường. Ảnh: AFP |
Hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin hàng tuần, 110 học sinh tại trường Akshar Forum, ngoại ô thành phố Dispur thuộc bang Assam đều được yêu cầu nộp khoảng 20 đồ bằng nhựa bỏ đi do các em thu thập được ở nhà riêng và khu dân cư. Nộp đủ số rác, các em sẽ không phải đóng học phí.
Cô Parmita Sarma, người dựng lên chương trình độc đáo này chia sẻ: “Việc sử dụng đồ nhựa đang lan tràn khắp bang Assam”. Tính đến năm ngoái, trường Akshar hoàn toàn không thu tiền học nhưng nhà trường quyết định áp dụng hình thức nộp “phí” rác sau khi kế hoạch kêu gọi phụ huynh tái chế rác thải không hề được hưởng ứng.
“Chúng tôi nói với phụ huynh hãy nộp rác cho nhà trường nếu muốn con được học miễn phí”, cô Sarma nói. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải cam kết không được đốt rác thải nhựa.
Các en được dạy cách tái chế rác. Ảnh: AFP |
Trên thực tế, việc lũ trẻ gõ cửa từng nhà hỏi xin vỏ nhựa cũng làm nâng cao nhận thức của cộng đồng khu vực. Theo tổ chức phi chính phủ Environ, hiện nay chỉ riêng thành phố Dispur với chưa đầy 1 triệu dân đã thải loại ra 37 tấn rác mỗi ngày, tăng gấp 7 lần lần so với 14 năm trước.
Bà Menu Bora, mẹ của một học sinh cho hay: "Trước đây, chúng tôi thường đốt rác nhựa và chúng tôi không hề biết rằng khói của nó gây độc hại cho sức khỏe và môi trường. Chúng tôi cũng vứt bừa bãi. Nhưng từ giờ điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa... nhờ sáng kiến tốt đẹp của trường học".
Sau mỗi lần gom rác, nhà trường triển khai những chương trình để tái chế chúng. Học sinh được gợi ý nhồi túi nilon vào trong chai nhựa để làm "gạch", sử dụng trong việc xây dựng phòng học mới, nhà vệ sinh hoặc lát vỉa hè trong trường.
Theo Báo Tin tức