Mỹ - Anh hướng đến "thỏa thuận thương mại rất lớn"

.

Tổng thống Donald Trump khẳng định, Mỹ và Anh sẽ đạt được một “thỏa thuận thương mại rất rất lớn” sau Brexit, điều mà cả hai nước đều mong muốn.

Thủ tướng Anh Theresa May cùng phu quân Philip May đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania đến nhà số 10 phố Downing.Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Anh Theresa May cùng phu quân Philip May đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania đến nhà số 10 phố Downing.Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May đã có “cuộc gặp gỡ đầy thách thức” tại nhà số 10 phố Downing vào ngày 4-6 trong lúc các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố London nhằm phản đối sự hiện diện của ông chủ Nhà Trắng. Phát biểu với người đứng đầu chính phủ Anh, các bộ trưởng và lãnh đạo doanh nghiệp, ông Trump khẳng định, hai nước sẽ có “một thỏa thuận thương mại rất rất lớn”. “Đó là thỏa thuận rất công bằng”, ông Trump nhấn mạnh. Tổng thống Mỹ cũng nói rằng, bà May nên “đeo đuổi” và hình thành một liên minh kinh tế mạnh hơn với Washington khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, các vấn đề biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, vai trò của tập đoàn Huawei của Trung Quốc ở Anh... cũng được ông Trump và bà May đề cập.

Theo các nhà quan sát, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh không thể mang lại thỏa thuận nào, khi bà May sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7-6 vì những thất bại của tiến trình Brexit. Trong tuyên bố ngày 3-6, Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Trump ủng hộ một Brexit không ảnh hưởng tới ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu trong khi vẫn bảo đảm được sự độc lập của Vương quốc Anh.

Song, nước Anh đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng vì một tiến trình Brexit quá nhiều rối rắm. Tuy từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ nhưng bà May sẽ làm Thủ tướng tạm quyền cho đến khi chọn được người kế nhiệm trong số 13 ứng cử viên hiện nay. Theo đó, người kế nhiệm bà May sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn trước ngày 31-10, thời điểm Anh rời EU.

Ngay trước khi đến Anh, Tổng thống Trump đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về vấn đề Brexit khi kêu gọi người kế nhiệm Thủ tướng May nên ủng hộ Brexit không thỏa thuận. Thông thường các tổng thống Mỹ không can thiệp vào các vấn đề chính trị của các nước khác. Tuy nhiên, ông Trump đã phá vỡ nguyên tắc truyền thống này.

Người đứng đầu Nhà Trắng còn nói rằng, thủ tướng mới của nước Anh nên rời bàn đàm phán với EU nếu không đạt được thỏa thuận như mong muốn, đồng thời kêu gọi xứ sở sương mù không chấp nhận trả phí “ly hôn” 39 tỷ bảng (50 tỷ USD) cho những khoản nợ sau nhiều thập niên là thành viên trong “mái nhà chung”.

Nếu Anh làm như những gì ông Trump “gợi ý”, tức theo hướng “Brexit cứng” thì có thể gây nguy hại đến nền kinh tế của vương quốc này trong thị trường chung châu Âu. Nhưng khi không còn chịu sự trói buộc của EU, Anh sẽ có cơ hội xích lại gần Mỹ hơn nữa trong một thỏa thuận thương mại mới, như nhận định của Bộ trưởng Tài chính Anh khi trao đổi với ông Trump: nền kinh tế Mỹ và Anh có mối quan hệ chặt chẽ, hai nước chia sẻ lợi ích chung từ việc duy trì sự ổn định của hệ thống thương mại thế giới.

Tuy nhiên, hãng AFP cho hay, hoàn tất một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh là điều không dễ. Các cuộc thảo luận chính thức giữa hai nước có thể bắt đầu nhưng sẽ kéo dài nhiều năm và bị phủ bóng hoặc đình trệ bởi hàng loạt vấn đề chính trị gai góc khi mối quan hệ giữa hai đồng minh thân thiết hơn 70 năm kể từ sau Thế chiến thứ hai hiện không còn nồng ấm nữa. Nhiều chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump được cho là đối đầu với cả đối thủ lẫn đồng minh, trong đó có Anh; và thỏa thuận thương mại với Washington sẽ không thể bù đắp cho việc mất đi thị trường châu Âu rộng lớn.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.