Mỹ - Trung khó đạt thỏa thuận thương mại tại G20

.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Osaka (Nhật Bản) vào ngày 29-6 là một trong những sự kiện được quan tâm nhất tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Song, hai nước sẽ khó đạt được thỏa thuận thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) dự kiến gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29-6 tại Osaka, Nhật Bản. 							    Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) dự kiến gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29-6 tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: AP

Tại Osaka, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ hội đàm song phương lần đầu tiên kể từ khi đàm phán thương mại giữa hai nước kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận mặc dù được Tổng thống Donald Trump mô tả là “đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Lúc đó, các quan chức Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại so với những cam kết, khiến tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu và làm gián đoạn nguồn cung.

Hiện Mỹ vẫn yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và một nền kinh tế mở hơn. Mỹ muốn Trung Quốc thay đổi cấu trúc kinh tế lớn cũng như hạn chế trợ cấp doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm cho doanh nghiệp Mỹ tiếp cận tốt hơn thị trường Trung Quốc. Còn Trung Quốc muốn xóa bỏ thuế quan và tiến tới một “thỏa thuận cân bằng”.

Tháng 5 vừa qua, Mỹ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với hàng hóa của Trung Quốc tổng trị giá 250 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc tăng thuế lên 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ có tổng trị giá 60 tỷ USD kể từ tháng 6.

Tổng thống Trump một mặt bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20, nhưng mặt khác vẫn dự kiến áp thuế bổ sung nặng nhằm vào tất cả hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc nếu hai nước tiếp tục bất đồng về thương mại. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc, từ điện thoại di động, máy tính xách tách, máy tính bảng đến sản phẩm may mặc.

Trả lời phỏng vấn kênh Fox Bussiness Network, Tổng thống Trump khẳng định triển vọng sẽ có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. “Điều này là hoàn toàn có thể. Chúng tôi phải có một thỏa thuận tốt…”, ông nói. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng thông báo, thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã hoàn tất “khoảng 90%”. Thậm chí, báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ví von một cách lạc quan rằng, thỏa thuận thương mại giờ đây như “một chiếc bánh đã vào lò nướng”.

Trong khi đó, tạp chí Fortune dẫn lời GS. David Denoon, Giám đốc Trung tâm về quan hệ Mỹ - Trung thuộc Đại học New York cho rằng, sẽ mất vài tháng nữa mới có thể đạt được một thỏa thuận thực sự chi tiết. Cũng theo GS. David Denoon, trong trường hợp áp thuế trả đũa lẫn nhau, Mỹ vẫn có những lợi thế hơn bởi cường quốc này nhập khẩu hàng Trung Quốc nhiều hơn Bắc Kinh nhập hàng từ Washington.

Song, hơn 600 công ty đã viết thư gửi đến ông chủ Nhà Trắng bày tỏ quan ngại về những tác động kinh tế nếu áp thuế lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Theo dự báo của cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, nếu Mỹ áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tổng sản lượng kinh tế của thế giới sẽ thiệt hại 0,4%.

Đối với Tổng thống Trump, tuy để ngỏ về khả năng “bắt tay nồng ấm” với Trung Quốc tại cuộc gặp bên lề G20, nhưng vẫn khó có thể khép lại cuộc chiến thương mại. Ông Trump biết rõ chính sách cứng rắn với Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà chính trị của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, một bộ phận doanh nghiệp và cả người dân Mỹ. Vì vậy, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không rút khỏi cuộc chiến thương mại, trừ khi Bắc Kinh nhượng bộ.

Còn với Trung Quốc, bất kỳ một thỏa hiệp nào về thương mại với Mỹ tại G20 cũng dễ vấp phải phản ứng ở trong nước. Bắc Kinh hiện giữ quan điểm rằng, cả nước này lẫn Washington nên sẵn sàng nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại, thay vì chỉ theo đuổi những mục tiêu mà mỗi bên mong muốn. Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27-6, người phát ngôn Cảnh Sảng khẳng định lập trường của Bắc Kinh là thông qua đối thoại để giải quyết các vấn đề thương mại với Mỹ, nhưng đàm phán phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. “Phát động chiến tranh thương mại, tăng thuế vừa hại người, vừa hại mình”, người phát ngôn Cảnh Sảng nói, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Do đó, tại Osaka, điều duy nhất có thể đạt được là hai bên “đình chiến”, không áp đặt biện pháp thuế mới để thể hiện thiện chí đối thoại.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.