Những tín hiệu ấm trong quan hệ Trung - Triều

.

Không kể tới 21 phát súng đại bác chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay và đội duyệt binh trang trọng theo nghi thức thông lệ, các chi tiết trong lễ đón ông Tập ngày 20-6 có nhiều điểm cho thấy sự ấm áp đặc biệt của mối quan hệ Trung - Triều tại thời điểm này. Đích thân vợ chồng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra đón ông Tập và phu nhân tại sân bay; ngoài ra còn có em gái của ông Un, cô Kim Yo Jong và nhiều quan chức có vai trò nổi bật trong các vòng đàm phán hạt nhân gần đây với Mỹ.

Hình ảnh ông Tập và ông Kim cùng đứng trên chiếc xe mui trần vẫy tay mỉm cười đáp lễ với khoảng 200.000 người dân Triều Tiên vẫy cờ hoa dọc tuyến đường từ sân bay về nơi hội đàm ở thủ đô Bình Nhưỡng biểu thị sự tin cậy và cởi mở.

Người ta cũng đã thấy người phụ nữ “quyền lực” quen thuộc, bà Ri Chun Hee - phát thanh viên chỉ xuất hiện trên đài KCTV trong những bản tin hệ trọng của đất nước, nhưng lại có mặt với bản tin vào ngày 21-6 nói về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông kết thúc chuyến công tác hai ngày tới Triều Tiên. Cũng không ngạc nhiên khi tờ báo Rodong Shinmun của Triều Tiên số ra ngày 21-6 dành tới 10 trang để nói về ngày làm việc của ông Tập tại Bình Nhưỡng.

Thực tế, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã có những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai bên trong thời gian qua. Chỉ riêng năm ngoái, ông Kim đã thăm Trung Quốc 4 lần, trong khi phía Trung Quốc nhiều lần lên tiếng kêu gọi Liên Hợp Quốc nới lỏng các trừng phạt với Triều Tiên.

Yếu tố thời điểm của cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng là điều đáng quan tâm. Cuộc gặp diễn ra ngay trước khi ông Tập chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 này.

Giới quan sát cho rằng, về phía Bắc Kinh, chuyến thăm có thể là cách để ông Tập phát đi thông điệp trực tiếp với Washington về tầm ảnh hưởng bao quát của Trung Quốc ở khu vực, cụ thể là với Triều Tiên - đối tác mà Mỹ đang cần thương thuyết. Còn về phía Bình Nhưỡng, nhiều nhà phân tích nhận định, việc truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin sôi nổi, phong phú về chuyến thăm của ông Tập như một cách để chứng tỏ rằng Bình Nhưỡng còn có nhiều lựa chọn khác bên cạnh các cuộc đàm phán chưa thành công với Washington.

Ở một góc độ khác, giới phân tích cũng cho rằng, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ nhờ ông Tập chuyển thông điệp tới Washington về việc có thể tái khởi động lại những cuộc đàm phán hạt nhân vốn đứt đoạn từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Triều Tiên vẫn mong sớm nới lỏng và xóa bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế để mở đường phát triển kinh tế, thực hiện những mục tiêu xây dựng đất nước của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Triều diễn ra vào thời điểm cả hai nước này đều đang vướng phải những trở ngại trong tiến trình đàm phán, thương thuyết với Mỹ. Ở Triều Tiên là câu chuyện dằng dai chưa dứt về những thỏa thuận thống nhất cho tiến trình giải giáp hạt nhân tương ứng với các bước gỡ bỏ trừng phạt. Trong khi đó, với Trung Quốc là những mắc mứu chưa thể khai thông trong những điều khoản thống nhất giữa hai bên để có thể đi đến một thỏa thuận thương mại chấm dứt cuộc thương chiến leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thế “mắc kẹt” chung này là lý do để tờ Daily Beast của Mỹ mô tả rằng, hai ông Kim, Tập đang trong hoàn cảnh “cùng hội cùng thuyền”.

Trong bức thư ông Tập gửi cho ông Kim, có nhắc tới đề xuất Bắc Kinh sẽ phác thảo một “kế hoạch lớn” cùng Bình Nhưỡng đạt được sự ổn định vĩnh viễn tại khu vực Đông Á. Ông Tập cũng cam kết rằng, Bắc Kinh sẽ đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc “củng cố sự liên lạc và điều phối với Triều Tiên cùng các bên liên quan” để thúc đẩy tiến trình đàm phán trên bán đảo Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng, hẳn Washington sẽ theo dõi những động thái từ chuyến thăm của ông Tập tới Bình Nhưỡng với những băn khoăn về việc không biết “họ sẽ nói gì với nhau” trong những cuộc họp kín. Và một điều tất yếu, dù chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên phong phú như thế nào thì vấn đề lớn nhất mà hai ông bàn thảo vẫn là câu chuyện liên quan nước Mỹ, tất nhiên không gì khác ngoài việc nối lại đàm phán Mỹ - Triều, thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa...

TRẦN ĐẮC LUÂN
 

;
;
.
.
.
.
.