Ông Abe đến Iran với sứ mệnh hòa giải

.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Iran từ ngày 12 đến 14-6 với sứ mệnh xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Tehran, thuyết phục hai nước nối lại đàm phán.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) tại một Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) tại một Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho rằng, Nhật Bản vừa là đồng minh của Mỹ, vừa có mối quan hệ thân thiết với Iran. Vì vậy, Thủ tướng Shinzo Abe là nhà trung gian hòa giải lý tưởng cho căng thẳng giữa cường quốc hàng đầu thế giới và nước Cộng hòa Hồi giáo ở Trung Đông. Đây cũng là lần đầu tiên một Thủ tướng Nhật đến Iran kể từ năm 1978.

Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Mỹ cũng đề cập bóng gió về nguy cơ đối đầu quân sự bằng việc điều thêm lực lượng đến Trung Đông để đối phó với những gì mà Washington mô tả là “mối đe dọa từ Iran”.

Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump hoan nghênh việc Thủ tướng Abe làm trung gian hòa giải, đồng thời đánh giá cao “mối quan hệ rất tốt” giữa Tokyo và Tehran.

Thực tế, Nhật Bản cũng muốn sự ổn định ở Trung Đông, bởi phần lớn lượng dầu thô mà Tokyo nhập khẩu đến từ khu vực này. Song, Nhật Bản đã ngừng mua dầu của Iran do sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các quan chức Nhật Bản nói rằng, Thủ tướng Abe sẽ không gửi đến Iran yêu sách hay thông điệp từ Washington, mà chỉ muốn xác định vị trí của quốc gia Đông Bắc Á này là trung gian với quan điểm trung lập. Theo ông Michael Bosack, cố vấn đặc biệt về mối quan hệ của chính phủ tại Hội đồng Yokosuka, Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, điều này có thể mang lại hiệu quả. “Nhật Bản thể hiện sự sẵn sàng đi theo chính sách của riêng mình về Trung Đông”, ông Bosack nói.

Thủ tướng Abe sẽ gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani và lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, với mong muốn “hạ nhiệt” căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ebrahim Rahimpour phát biểu với nhật báo Shargh rằng, chuyến thăm của ông Abe diễn ra sau khi ông Trump đến Nhật Bản, nghĩa là người Mỹ quan tâm việc sử dụng kênh ngoại giao này. “Iran sẽ công bố quyền và quan điểm của chúng tôi, và phía bên kia (Nhật Bản) có thể công bố những thông điệp của Tổng thống Mỹ”, ông Rahimpour nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sứ mệnh trung gian hòa giải sẽ gặp khó khăn, bởi dù Nhật Bản có mối quan hệ tốt với cả Mỹ lẫn Iran, nhưng những mối quan hệ này không nhất thiết tạo ra ảnh hưởng. Vì vậy, ông Bosack cho rằng, sẽ không thực tế nếu kỳ vọng kết quả ngay lập tức từ chuyến thăm. Điều quan trọng hơn, Nhật Bản không chỉ là “sứ giả đưa tin” mà chính lợi ích của Tokyo cũng bị ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, cụ thể ở lĩnh vực dầu thô. Tokyo nhập khẩu khoảng 5% dầu thô từ Iran và phải chịu mức giá dầu đang gia tăng.

Hãng Reuters cho rằng, điều mà Thủ tướng Abe có thể thành công là thuyết phục Mỹ và Iran nối lại đàm phán trực tiếp tại một nước thứ ba, khi Washington và Tehran đều muốn tránh đối đầu quân sự. Chẳng hạn, ông Abe có thể mời Tổng thống Hassan Rouhani đến hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka vào cuối tháng này. Nếu không thể mời Iran, ông Abe có thể chuyển thông điệp từ Tehran đến Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20.

Đức muốn cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 10-6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gặp gỡ người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại thủ đô Tehran với mong muốn tháo gỡ căng thẳng giữa quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này và Mỹ; đồng thời cứu thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Ông Maas cho biết, chuyến thăm này nhằm thuyết phục Iran không từ bỏ thỏa thuận bởi JCPOA có vai trò “cực kỳ quan trọng” đối với an ninh châu Âu. Theo vị Ngoại trưởng Đức, Berlin và các đối tác châu Âu nỗ lực lớn trong việc thực hiện các cam kết để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và hy vọng Iran cũng hành động tương tự. Song, ông Maas nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.