Ngày 5-6, Quốc hội Thái Lan chọn Thủ tướng mới với phần thắng chắc chắn thuộc về ông Prayuth Chan-ocha, ứng cử viên của đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath).
Lưỡng viện Thái Lan nhóm họp để chọn Thủ tướng mới. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin AP, cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 5-6 nhưng không giới hạn thời gian kết thúc bởi những cuộc tranh luận kéo dài về những ưu điểm và nhược điểm của các ứng cử viên mỗi bên. Giữa ông Prayuth Chan-ocha, người làm Thủ tướng Thái Lan sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính vào năm 2014, và ngôi sao chính trị đang lên - ông Thanathorn Juangroongruangkit, ứng cử viên của đảng Palang Pracharath nắm chắc phần thắng sau khi đảng Dân chủ đồng ý gia nhập liên minh thân quân đội này.
Trong khi đó, Chủ tịch đảng Tương lai Mới Thanathorn Juangroongruangkit được liên minh 7 đảng chống quân đội đề cử, hiện đối mặt với hai cáo buộc xúi giục phản loạn và vi phạm luật an ninh mạng. Ông Thanathorn cũng không được bỏ phiếu vì bị Tòa án Hiến pháp tạm đình chỉ tư cách hạ nghị sĩ để chờ phán quyết về cáo buộc sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông khi vận động tranh cử. Song, phát biểu bên ngoài tòa nhà Quốc hội, ông Thanathorn khẳng định: “Tôi sẵn sàng trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan… Tôi sẽ là Thủ tướng của sự thay đổi”.
Với 116 ghế, đảng Palang Pracharath về nhì trong cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 24-3 vừa qua, xếp sau đảng Vì nước Thái (Pheu Thai, có 136 ghế); đảng Tương lai Mới về thứ ba với 81 ghế. Tuy nhiên, ông Prayuth chắc chắc có thêm toàn bộ 250 phiếu bầu của Thượng viện, cơ quan do quân đội kiểm soát. Người đắc cử Thủ tướng thứ 30 phải hội đủ 376 phiếu. Ông Prayuth hiện không giữ ghế nào nhưng Hiến pháp của Thái Lan không đòi hỏi Thủ tướng phải là nghị sĩ.
Đảng Palang Pracharath nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ từ những đảng nhỏ hơn. Tối 4-6, đảng Dân chủ lâu đời nhất ở Thái Lan còn bỏ phiếu thông qua việc tham gia liên minh do đảng Palang Pracharath lãnh đạo. Theo đó, liên minh này có tổng cộng 254 nghị sĩ trong Hạ viện gồm 500 ghế, chiếm đa số ghế cần thiết để thông qua các dự luật và phê chuẩn ngân sách.
Quyết định của đảng Dân chủ khiến cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, cũng là cựu Chủ tịch đảng này từ chức nghị sĩ vào ngày 5-6. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Abhisit cam kết không ủng hộ ông Prayuth tiếp tục làm Thủ tướng. Nhưng với cái “bắt tay” giữa đảng Dân chủ và đảng Palang Pracharath, nếu tiếp tục giữ ghế nghị sĩ, ông Abhisit phải bỏ phiếu cho ông Prayuth. Cựu Thủ tướng Abhisit cũng lấy làm tiếc khi đảng Dân chủ mất cơ hội là “đảng chính trị cỡ vừa”, đóng vai trò “đảng thứ ba trung lập”.
Một đảng lớn khác là Tự hào nước Thái (Bhumjaithai) với 51 ghế ở Hạ viện cũng đã thương lượng với đảng Palang Pracharath để có những vị trí trong chính phủ liên minh.
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Mặt trận Dân chủ (liên minh 7 đảng) rằng, việc toàn bộ 250 thành viên Thượng viện bỏ phiếu cho ông Prayuth là không công bằng và kêu gọi các thượng nghị sĩ sử dụng lá phiếu phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Cuộc tổng tuyển cử ngày 24-3 phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trên chính trường Thái Lan sau 13 năm quốc gia Đông Nam Á này xảy ra những cuộc đảo chính, biểu tình bạo lực trên đường phố và các chính phủ dân sự chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Căn nguyên chia rẽ xuất phát từ sự đối đầu giữa lực lượng bảo thủ của Hoàng gia (được tòa án và quân đội ủng hộ), với các đảng ủng hộ dân chủ, vốn được lòng của tầng lớp trung lưu và hạ lưu.
THIÊN BÌNH