Khi đắc cử Tổng thống cách đây 2 năm, ông Donald Trump giao cho Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt chủ trì xây dựng kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, gồm hai phần kinh tế và chính trị, nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.
Ngày 27-3-2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, những biện pháp trước đây đã thất bại và khẳng định cách tiếp cận mới hiện nay sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho cả Israel lẫn Palestine. Ông Pompeo bày tỏ lạc quan rằng, kế hoạch hòa bình này sẽ phá vỡ những quy tắc lâu nay về các vấn đề như Jerusalem và các khu định cư Do Thái.
Để chuẩn bị cho việc công bố thỏa thuận, chính quyền Mỹ đã có hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các bên liên quan. Sau khi hai ông Kushner và Greenblatt hoàn thành chuyến công du Trung Đông, Bắc Phi trong vai trò thuyết khách, Mỹ sẽ phối hợp với Bahrain để tổ chức hội nghị kinh tế mang tên “Từ hòa bình tới thịnh vượng” tại thủ đô Manama vào các ngày 25 và 26-6 nhằm chia sẻ ý tưởng, thảo luận chiến lược, hỗ trợ các sáng kiến và đầu tư kinh tế tiềm năng bằng một thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, sự phản đối cũng như những hoài nghi về “Thỏa thuận thế kỷ” ngày càng gia tăng ở nhiều nước khu vực Trung Đông, thậm chí ngay trong nội bộ chính phủ Mỹ. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã ra tuyên bố không chấp nhận bất cứ đề xuất giải pháp hòa bình nào không bao gồm các quyền hợp pháp không thể chối cãi của người Palestine.
OIC cũng lên án quyết định của Washington chuyển trụ sở Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem và công nhận thành phố đang tranh chấp này là thủ đô của Israel.
Trong khi đó, Quốc vương Salman bin Abdulahziz Al Saud của Saudi Arabia nhấn mạnh, sự nghiệp của người dân Palestine tiêu biểu cho vấn đề cốt lõi đối với OIC, đồng thời nêu rõ Riyadh phản đối bất kỳ biện pháp nào động chạm tới vị trí hợp pháp và mang tính lịch sử của Đông Jerusalem.
Còn Palestine bác bỏ “Thỏa thuận thế kỷ” và tẩy chay hội nghị tại Bahrain vì cho rằng kế hoạch quá thiên vị cho Israel. Lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cáo buộc Mỹ luôn là đối tác của Israel và có thái độ “thù địch” đối với người dân Palestine. Chính quyền Palestine cũng từ chối tiếp xúc với chính quyền Washington kể từ khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định chuyển Đại sứ quán tại Tel Aviv về đây hồi tháng 12-2017.
Về phía Israel, cuộc bầu cử Hạ viện hồi tháng 4 không thành công nên phải tổ chức lần thứ hai vào tháng 9 tới. Điều chưa từng có tiền lệ này cũng làm lỡ việc công bố chi tiết kế hoạch hòa bình Trung Đông. Nếu lãnh đạo tương lai của Israel không phải là Thủ tướng Benjamin Netanyahu thì bản kế hoạch này phải sửa đổi.
Chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người từng bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng về “Thỏa thuận thế kỷ”, nhưng nay cũng lên tiếng lo ngại kế hoạch này có thể không khả thi và có khả năng không được ủng hộ, theo một đoạn băng ghi âm được báo Washington Post tiết lộ. Tổng thống Donald Trump cũng thừa nhận, những nghi ngờ của Ngoại trưởng Pompeo về khả năng khó thực hiện thỏa thuận hòa bình Trung Đông “có thể đúng”. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, ông chủ Nhà Trắng nói: “Nếu chúng ta có thể đạt được một kế hoạch hòa bình Trung Đông thì sẽ tốt”.
Những diễn biến trên cho thấy, dù “Thỏa thuận thế kỷ” chưa được công bố chính thức nhưng vấp phải sự phản đối, hoài nghi của các bên và có nguy cơ “chết yểu”; đó là chưa nói đến việc chính phủ Mỹ không có khả năng vừa làm bạn với Israel, vừa là trung gian cho hòa bình giữa người Israel và người Palestine.
TUYẾT MINH