Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, người vừa được Quốc hội bầu tiếp tục giữ cương vị này, sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc khôi phục kinh tế và niềm tin của các nhà đầu tư.
Hãng Reuters cho biết, ông Prayuth được lưỡng viện Thái Lan bầu làm Thủ tướng thứ 30 vào đêm 5-6 với 500 phiếu ủng hộ, so với số phiếu 244 dành cho ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, Chủ tịch đảng Tương lai Mới. Theo đó, ông Prayuth sẽ dẫn đầu liên minh gồm 19 đảng nhưng chỉ vượt quá 4 ghế cần thiết để chiếm đa số ở Hạ viện. Điều này làm dấy lên quan ngại chính phủ của ông sẽ gặp khó trong việc thông qua các dự luật và ngân sách, tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Kể từ sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24-3 gây nhiều tranh cãi, các nhà đầu tư lo lắng về những rủi ro chính trị ở Thái Lan. Nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á có mức tăng trưởng chỉ 2,8% trong quý 1-2019, mức thấp nhất kể từ năm 2014, khi đầu tư công, xuất khẩu và du lịch đều chậm lại. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Thái Lan đạt 4,1%, mức cao nhất trong vòng 5 năm, nhưng vẫn xếp sau Philippines (6,2%) và Indonesia (5,17%).
Theo Reuters, chính phủ mới của Thái Lan sẽ phải khôi phục nền kinh tế thông qua biện pháp kích thích tăng trưởng nội địa, đồng thời phải thúc đẩy Quốc hội thông qua ngân sách năm tài khóa 2020. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thái Lan Supant Mongkolsuthree mong muốn một chính phủ mới được thành lập nhanh chóng và ổn định. “Nếu chính phủ ổn định, đầu tư sẽ cải thiện và đàm phán thương mại nước ngoài sẽ đáng tin cậy hơn”, ông Supant nói. Việc thành lập, điều hành và duy trì sự ổn định của chính phủ cũng là một trong những thách thức đối với Thủ tướng Prayuth.
THIÊN BÌNH