Việc Iran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ làm khu vực Trung Đông dậy sóng bởi căng thẳng giữa hai nước đang lên đến đỉnh điểm. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn chiến dịch tấn công Iran nhưng sau đó rút lại quyết định này.
Máy bay bị bắn rơi là MQ-4C Triton của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters |
Từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) vào năm ngoái và áp đặt trừng phạt, mối quan hệ giữa cường quốc hàng đầu thế giới với Tehran trở nên căng thẳng. Khi các vụ tấn công nhằm vào những tàu chở dầu xảy ra ở gần eo biển Hormuz, giới phân tích cảnh báo về nguy cơ chiến tranh nhưng cả Mỹ lẫn Iran đều bác bỏ khả năng này.
Đến nay, với việc Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ bằng tên lửa đất đối không vào ngày 20-6, khu vực Trung Đông - nơi cung cấp 1/3 lượng dầu cho thế giới - thực sự được đặt “bên miệng hố chiến tranh”, khi Tehran tuyên bố “có bằng chứng không thể tranh cãi” cho thấy máy bay không người lái của Mỹ đã xâm phạm không phận của nước Cộng hòa Hồi giáo và đã cảnh báo hai lần trước khi bắn hạ máy bay; còn Tổng thống Donald Trump mô tả động thái nói trên là “sai lầm lớn”.
Theo báo New York Times, sau những cuộc họp căng thẳng với các quan chức an ninh Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào Iran. Tuy nhiên, ông Trump rút lại quyết định này ngay sau đó. Cụ thể, ông Trump ban đầu đồng ý tấn công một số mục tiêu như radar, các khẩu đội tên lửa của Iran. Các máy bay đã xuất kích, tàu chiến vào vị trí, nhưng không có tên lửa nào của Mỹ được bắn ra vì có lệnh dỡ bỏ báo động.
Việc Iran bắn rơi máy bay của Mỹ là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”, nhưng nếu chiến dịch tấn công quân sự diễn ra thì không chỉ là “cuộc chơi nguy hiểm” giữa hai nước chính, mà còn kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia khác. Theo đó, Trung Đông vốn đã “nóng” sẽ càng thêm “nóng”. Hơn nữa, đây sẽ là lần thứ hai ông Trump hành động quân sự ở Trung Đông, sau khi ra lệnh quân đội tấn công Syria vào năm 2016 và 2017.
Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, Bộ trưởng Lục quân Mark Esper - người vừa được đề cử làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Shanahan và các lãnh đạo Quốc hội đã nhóm họp.
Trong đó, ông Pompeo và ông Bolton có quan điểm cứng rắn chống Iran. Đảng Cộng hòa ở cả hai viện Quốc hội kêu gọi ông Trump có phản ứng chiến lược đối với các hành động của Iran. Song, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Hạ viện Adam Schiff thúc giục Tổng thống cần thận trọng và tránh đẩy căng thẳng leo thang. Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng đã ra lệnh khẩn cấp cấm các hãng bay Mỹ cho máy bay của mình bay vào không phận do Iran kiểm soát ở eo biển Hormuz và vịnh Oman.
Hãng AFP cho rằng, Tổng thống Trump cũng đang gặp khó trong vấn đề Iran. Việc chính phủ Mỹ đổ lỗi cho quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này thực hiện hàng loạt vụ tấn công ở vùng Vịnh từ giữa tháng 5 đến nay, trong đó có những vụ tấn công 2 tàu chở dầu hồi tuần trước, càng cho thấy quan điểm nhất quán của người đứng đầu Nhà Trắng: tìm mọi cách thu hẹp và xóa bỏ ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.
Tuy nhiên, ngoài việc đưa thêm binh sĩ cùng nhiều tàu chiến, các hệ thống phòng không Patriot đến khu vực “chảo lửa” này trong những tuần qua, ông Trump vẫn “giảm nhẹ” hoặc nói “không” về khả năng xảy ra một cuộc chiến với Iran bởi nhiều lo ngại. Mỹ đang cần thể hiện sức mạnh để tranh giành ảnh hưởng ở khu vực, nhưng chưa rõ Washington sẽ sử dụng biện pháp nào để đáp trả Tehran. Nếu xảy ra một cuộc tấn công quân sự do Mỹ phát động thì có thể thấy ngay lập tức những hậu quả, rõ nhất là nguy cơ làm gián đoạn việc lưu thông dầu thô ở khu vực vùng Vịnh.
Chiều 21-6 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent Biển Bắc giảm 20 xu Mỹ (0,31%) xuống 64,25 USD/thùng. Một ngày trước đó, giá dầu Brent tăng 4,3%, đưa mức tăng trung bình cả tuần đạt gần 4%. Sự biến động của giá dầu cho thấy thị trường dầu mỏ bất ổn trong lúc căng thẳng địa chính trị gia tăng, đồng thời sẽ tác động đến hội nghị của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 1-7 tới tại thủ đô Vienna (Áo). |
PHÚC NGUYÊN