Chuyến thăm CHDCND Triều Tiên lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 20 và 21-6 tuy mang tính biểu tượng nhưng đây là cơ hội để hai nước đồng minh thắt chặt mối quan hệ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bắc Kinh ngày 10-1-2019. Ảnh: Reuters |
Hãng AFP cho biết, trưa 20-6, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viện đến sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Triều Tiên và gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong lúc cả hai ông đối mặt với những thách thức riêng từ Mỹ.
Ông Tập Cận Bình là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên thăm Triều Tiên trong 14 năm qua trong lúc mối quan hệ giữa hai đồng minh thời Chiến tranh Lạnh có những rạn nứt do chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Ngoại trưởng Vương Nghị và các quan chức khác.
Theo lịch trình, ông Tập thăm Tháp Hữu nghị - đài tưởng niệm các binh sĩ Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên trong cuộc chiến năm 1950-1953. Tháng 3-2018, sau khi thăm Bắc Kinh, ông Kim Jong-un mời ông Tập đến thủ đô Bình Nhưỡng nhưng một số chuyên gia nhận định, nhà lãnh đạo Trung Quốc chờ dịp phù hợp mới đến Bình Nhưỡng.
Sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc hồi tháng 5 vừa qua, một số nhà phân tích tin rằng, ông Tập Cận Bình sẽ đến Bình Nhưỡng, dùng chuyến thăm này làm đòn bẩy về vấn đề thương mại trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần tới.
Báo Rodong Sinmun của Triều Tiên dẫn lời ông Tập cho biết, chuyến thăm nhằm tạo ra một chương mới về tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Ông Tập cũng ca ngợi ông Kim đang lãnh đạo đất nước “theo đúng hướng”, mặc dù đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều hiện bế tắc.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết, nước ông sẽ đóng vai trò tích cực trong việc đẩy mạnh liên lạc và phối hợp với Bình Nhưỡng cũng như các bên liên quan khác để thúc đẩy đàm phán trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, Bình Nhưỡng dọa thực hiện “con đường mới” để thúc đẩy kinh tế. Nước này cũng nối lại việc thử vũ khí và cảnh báo “sẽ có những hậu quả thực sự không mong muốn” nếu các nhà đàm phán Washington không linh hoạt hơn.
Về phía Trung Quốc, tuy Bắc Kinh thể hiện việc tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, nhưng cường quốc châu Á này vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Bình Nhưỡng. Hơn nữa, sự ủng hộ của Bắc Kinh rất quan trọng để nâng cao vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong đàm phán. Vì vậy, theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình là cơ hội để thể hiện tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
“Đối với Triều Tiên, cuộc gặp gỡ (giữa ông Tập và ông Kim) là thông điệp gửi đến Mỹ rằng, Bình Nhưỡng vẫn có sự ủng hộ của Bắc Kinh và Washington nên ngừng gây sức ép tối đa”, GS. Lim Eul Chul, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kuyngnam nói. Ông Lu Chao tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc nhận định, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và phi hạt nhân hóa rất quan trọng với Bắc Kinh. “Trung Quốc dự kiến đóng vai trò trung gian hòa giải”, ông Lu Chao cho hay.
Song, theo AFP, chuyến thăm mang tính biểu tượng lớn và dự kiến không có tuyên bố chung. Trong lúc đó, một bài bình luận đăng trên Tân Hoa xã bày tỏ lạc quan rằng, hy vọng vẫn còn đó và chuyến thăm sẽ mở đường cho việc giải quyết những bế tắc về phi hạt nhân hóa.
Còn ông Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie Tsinghua ở Bắc Kinh tỏ ra bi quan về “các cuộc thảo luận thực chất” xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp Tập - Kim lần này, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước vẫn luôn bền chặt và phát triển, dù bất kỳ điều gì xảy ra trên trường quốc tế.
BÌNH YÊN