Xây dựng lòng tin ở châu Á

.

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, tình hình thế giới có những biến đổi phức tạp, khó đoán định. Khu vực châu Á là một trong những “điểm nóng” hết sức quan trọng trên bản đồ địa - chính trị thế giới như: vấn đề hạt nhân Iran, CHDCND Triều Tiên; xung đột ở Syria, Yemen, Afghanistan; tình hình ở Biển Hoa Đông, Biển Đông; chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ; các cuộc tấn công khủng bố…

Bởi lẽ, châu Á không chỉ đơn thuần là trung tâm phát triển năng động của toàn cầu, mà còn là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú, tập trung nhiều tuyến đường vận tải huyết mạch trên biển; đồng thời cũng là nơi diễn ra những liên kết kinh tế nhanh chóng, thúc đẩy sự phụ thuộc, gắn kết lẫn nhau ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia trong và ngoài châu lục.

Tuy nhiên, đi đôi với ưu thế về tiềm năng và sự phát triển đó, môi trường an ninh khu vực châu Á hiện ẩn chứa nhiều rủi ro nguy hiểm bởi khuynh hướng chạy đua vũ trang gia tăng, các cuộc tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo diễn ra ngày càng gay gắt.

Đặc biệt, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và thái độ chính trị cường quyền nước lớn, sự bất chấp luật pháp quốc tế, khả năng gây phương hại đến hòa bình, an ninh và môi trường đang có xu hướng trỗi dậy làm tình hình khu vực này phức tạp bội phần.

Trong khi đó, sự chia rẽ và thiếu vắng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến châu Á đến nay chưa có một thỏa thuận, một cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể nào thực sự hữu hiệu để đối phó với các thách thức như vậy.

Tại các diễn đàn ở Bác Ngao (Trung Quốc), Đối thoại Shangri-La (Singapore)… trong những năm qua đề cập việc xây dựng lòng tin chiến lược để giải quyết các bất đồng, xây dựng an ninh, thúc đẩy sự phát triển chung cùng có lợi.

Ngày 15-6 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) với chủ đề “Chia sẻ tầm nhìn vì một khu vực CICA an ninh và thịnh vượng hơn” tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan với sự có mặt lãnh đạo 27 nước châu Á thảo luận về thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề thương mại toàn cầu và nhiều vấn đề nóng khác ở khu vực cũng như trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các thành viên CICA duy trì quan điểm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, cũng như sử dụng các thực thể để thăm dò cấu trúc an ninh khu vực nhằm đạt được an ninh chung cho châu Á. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn kêu gọi đối thoại bình đẳng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các quy tắc thương mại đa phương trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và thương mại. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, các bên liên quan không bao giờ được dễ dàng sử dụng chế độ bảo hộ và cơ chế đơn phương.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, trong nền kinh tế đang diễn ra “cuộc chiến” bất quy tắc, cần những nỗ lực tập thể để khôi phục sự công bằng. Theo ông Putin, trên thế giới đang bùng nổ cuộc chiến thương mại thực sự nên hơn bao giờ hết, cần đến nỗ lực chung để tìm kiếm một giải pháp; cần khôi phục niềm tin, phê duyệt chuẩn mực công bằng của tương tác kinh tế. Bước đi đầu tiên là cần đưa lĩnh vực xã hội - nhân đạo ra khỏi các hạn chế thương mại và trừng phạt, cụ thể ở đây là những nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị y tế. Tổng thống Putin cũng đề cập việc phát triển tương tác giữa các nước châu Á khi lưu ý rằng, khu vực này đang giữ vai trò động lực tăng trưởng của toàn cầu.

Còn Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ: CICA cần phát huy vai trò là diễn đàn đối thoại, trao đổi và xây dựng lòng tin ở châu Á, đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ). Trong tuyên bố chung của hội nghị có đoạn viết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ hay công việc đối ngoại của các nước… Chúng tôi tái khẳng định rằng, không có bất kỳ quốc gia nào hay một nhóm nước nào vì bất kỳ lý do gì có quyền can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc nội bộ hay công việc đối ngoại của bất cứ quốc gia nào khác nhằm mục tiêu thay đổi các chính phủ hợp pháp. Mỗi nhà nước có quyền tự quyết về hệ thống chính trị của mình”.

Rõ ràng, việc xây dựng lòng tin, tăng cường sự hợp tác trong CICA phải dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị; chung sống hòa bình, cùng có lợi, từ bỏ đe dọa hay sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào dưới bất kỳ mục tiêu nào không phù hợp với Hiến chương LHQ.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.