Cái bắt tay lịch sử ở Bàn Môn Điếm

.

Việc ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Bàn Môn Điếm và bước qua giới tuyến hai miền Triều Tiên ở khu phi quân sự (DMZ), bắt tay với nhà lãnh đạo Kim Jong-un mở ra hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh chính thức lần 3.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp kín khoảng 40 phút tại Nhà Hòa bình ở Bàn Môn Điếm.Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp kín khoảng 40 phút tại Nhà Hòa bình ở Bàn Môn Điếm.Ảnh: AP

Đối với Mỹ và Triều Tiên, ngày 30-6 là thời điểm lịch sử khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ hiện diện ở DMZ; thậm chí, ông còn nói “thật vinh dự khi bước qua đường giới tuyến” đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và “nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra”.

Trong khi đó, ông Kim Jong-un cũng gọi đây là khoảnh khắc lịch sử dù cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo và cái bắt tay tại DMZ chỉ kéo dài 4 phút, trước khi hai bên có cuộc gặp riêng ở Nhà Hòa bình trong 40 phút. “Điều này sẽ đi vào lịch sử chính trị quốc tế”, ông Kim Jong-un nói. Hai bên đã thống nhất khôi phục đàm phán và Tổng thống Trump cũng mời ông Kim đến thăm Nhà Trắng trong thời gian sớm nhất.
Cuộc gặp ngẫu hứng nói trên diễn ra sau khi Tổng thống Trump bất ngờ có lời mời ông Kim đến DMZ trên Twitter.

Việc hai ông xuất hiện ở khu giới tuyến này và Tổng thống Trump có “những bước chân lịch sử” sang đất Triều Tiên mang biểu tượng về sự hàn gắn quan hệ song phương trong bối cảnh đàm phán Mỹ - Triều đang bế tắc. Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái mang lại một cam kết mơ hồ về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Còn cuộc gặp thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận.

Song, tại DMZ, ông Trump nói rằng, “cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội là bước tiến vô cùng quan trọng”. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, hai đoàn đàm phán sẽ bắt đầu làm việc và họp trong 2-3 tuần tới. Tuy nhiên, phía Nhà Trắng không muốn vội vàng tìm kiếm một thỏa thuận, bởi “tốc độ không phải là đối tượng”.

Hồi tháng trước, Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ Steve Biegun khẳng định, cánh cửa đối thoại vẫn mở nhưng lưu ý rằng quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều đang chững lại kể từ lần thượng đỉnh lần hai. Trọng tâm của các cuộc thương thảo trước đây vẫn là vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ông Trump cũng đã không đề cập cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm với nhà lãnh đạo Triều Tiên, mà chỉ nói về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai ông.

Về phía Triều Tiên, mối quan tâm hàng đầu của Bình Nhưỡng là việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Song, trong cuộc gặp ngày 30-6, ông Trump khẳng định vẫn duy trì trừng phạt và sẽ nới lỏng nếu đàm phán tiến triển tốt đẹp.

Cùng ông Trump đến DMZ còn có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người nỗ lực làm “trung gian hòa giải”, thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều. Hãng CNN dẫn lời ông chủ Nhà Xanh cho rằng, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim mang lại hy vọng cho 80 triệu người dân trên bán đảo Triều Tiên. “Tôi tin chúng ta đã vượt qua một ngọn đồi trong tiến trình (phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên)”, ông Moon nói.

Tổng thống Donald Trump đã bước qua đường phân cách và ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm đất nước chúng tôi. Điều này thể hiện thiện chí của ông trong việc gạt bỏ tất cả quá khứ và mở ra tương lai mới”

         Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Theo Giám đốc Văn phòng CNN tại Seoul, bà Paula Hancocks, những gì diễn ra vào ngày 30-6 mang tính biểu tượng đối với Hàn Quốc, nhất là với cá nhân Tổng thống Moon Jae-in, bởi sứ mệnh của nhà lãnh đạo này là bảo đảm không xảy ra Chiến tranh Triều Tiên lần hai. Bà Hancocks cho rằng, cuộc gặp Trump - Kim là dấu hiệu hướng đến phi hạt nhân hóa và cuối cùng là hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Khu DMZ phân cách hai miền Triều Tiên rộng khoảng 4km, dài 250km, là nơi chứng kiến việc ký kết hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên. Ông John Delury tại Đại học Yonsei ở Seoul dự đoán về việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sau gần 70 năm. GS. Kim Yong-hyun của Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng, khởi động phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình thì sẽ tạo làn gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Joshua Pollack tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ) hoài nghi về những gì mà Washington và Bình Nhưỡng có thể đạt được. Ông Pollack nhận định: “Cần một điều gì đó hơn là một lá thư một trang giấy và một cái bắt tay”.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.