Căng thẳng vùng Vịnh leo thang

.

Việc Iran bắt giữ tàu Anh và Mỹ triển khai lực lượng đến Saudi Arabia càng đẩy căng thẳng vùng Vịnh gia tăng, đồng thời làm dấy lên quan ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh do Washington dẫn đầu ở khu vực này.

Tàu Stena Impero treo cờ Anh bị Iran bắt giữ khi đi qua eo biển Hormuz. 			           Ảnh: AP
Tàu Stena Impero treo cờ Anh bị Iran bắt giữ khi đi qua eo biển Hormuz. Ảnh: AP

Iran cho rằng, việc bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh cùng 23 thủy thủ (gồm 18 người Ấn Độ, 3 người Nga, 1 người Latvia và 1 người Philippines) vào ngày 19-7 nhằm đáp trả vai trò của London trong vụ bắt giữ tàu chở dầu của Tehran hồi đầu tháng này. Động thái của Iran được cho là đẩy căng thẳng leo thang đáng kể, nhất là sau khi vùng lãnh thổ Gibralta của Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Tehran và mới đây gia hạn thời gian giam giữ thêm 30 ngày.

Cùng với sự việc nói trên, Mỹ đã điều máy bay giám sát đến eo biển Hormuz, đồng thời đưa hơn 500 trăm binh sĩ cùng các máy bay và tên lửa phòng không tới Saudi Arabia, nơi chỉ cách bờ biển Iran khoảng 200km. Kịch bản dẫn đến chiến tranh đang dần hiện rõ, nhưng có thực sự xảy ra chiến tranh do Mỹ dẫn đầu ở một khu vực được xem là “chảo lửa” hay không?

Trong hai tuyên bố riêng rẽ, cả phía Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) lẫn Saudi Arabia đều khẳng định, việc triển khai lực lượng nói trên chỉ nhằm bảo đảm sự ổn định ở vùng Vịnh, bảo vệ lợi ích tại khu vực trước “những mối đe dọa đang nổi lên và hết sức rõ ràng”... Một quan chức Mỹ nói rằng, đây là một phần của việc tăng cường quân đội đến Trung Đông mà Lầu Năm Góc đã công bố hồi tháng 6 vừa qua. Song, theo GS. Andreas Krieg tại Đại học King ở London, với việc triển khai lực lượng, Mỹ đang gia tăng các lựa chọn quân sự trong trường hợp tấn công Iran. Theo các nguồn tin của báo chí Mỹ, hơn 500 binh sĩ được điều đến căn cứ không quân Prince Sultan, phía nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran bị “đóng băng” kể từ tháng 5-2018, khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 hồi năm 2015, đồng thời tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông Trump và đồng minh Saudi Arabia giàu dầu mỏ cũng cáo buộc Iran đã tấn công các tàu chở dầu cũng như máy bay không người lái ở vùng Vịnh trong thời gian qua. Tehran bác bỏ mọi cáo buộc, đe dọa nếu nước này bị tấn công thì sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - nơi trung chuyển 40% lượng dầu toàn cầu và 1/3 khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới.

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định, việc triển khai lực lượng nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Riyadh, nhất là quan hệ quân sự vốn căng thẳng xung quanh cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi năm ngoái. Tuần trước, Hạ viện Mỹ phong tỏa thỏa thuận bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho Saudi Arabia và các đồng minh khác.
Chưa rõ Iran phản ứng như thế nào và những đòn “ăn miếng trả miếng” tiếp theo là gì. Song, những gì xảy ra càng đẩy mối quan hệ giữa Washington và Tehran “căng như dây đàn”, thậm chí ở thế đối đầu đầy nguy hiểm.

Tháng trước, sau khi máy bay không người lái của Mỹ bị Iran bắn rơi, vùng Vịnh suýt rơi vào chiến tranh. Giờ đây, ngoài Mỹ, tranh cãi giữa Anh và Iran xung quanh vụ bắt giữ các tàu cũng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói rằng, Iran đang lựa chọn “con đường bất hợp pháp, nguy hiểm và có hành vi gây mất ổn định”.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định, mọi hành động của nước này đều nhẳm duy trì các quy tắc hàng hải quốc tế và chỉ trích Anh đang làm “phương tiện cho hoạt động khủng bố kinh tế của Mỹ”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, không có dấu hiệu Iran sẽ “chuyển hướng”. Thành ra, căng thẳng giữa các bên liên quan không hề có dấu hiệu “hạ nhiệt” dù bên nào cũng tuyên bố để ngỏ cánh cửa ngoại giao. Trong lúc này, chỉ một tính toán sai lầm thì tình hình chắc chắn sẽ vượt tầm kiểm soát và lúc đó không còn trông chờ giải pháp ngoại giao nữa.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.