Chiến lược “gây áp lực tối đa” đối với Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các nước châu Âu gặp khó trong việc cứu thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhất là khi Tehran tuyên bố đã làm giàu 24 tấn uranium kể từ khi tham gia thỏa thuận và tái khởi động lò phản ứng nước nặng.
Iran tuyên bố tái khởi động lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak. Ảnh: EPA |
Cuộc họp của Iran với các cường quốc (P4+1, gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) diễn ra tại Vienna (Áo) hồi cuối tuần qua không mang lại kết quả cụ thể nào, ngoài cam kết chung chung: “Tái khẳng định tiếp tục duy trì JCPOA”.
Các nước châu Âu một mặt chịu sức ép từ Mỹ trong việc loại bỏ JCPOA, một mặt muốn duy trì thỏa thuận này để ngăn Iran chế tạo bom nguyên tử. Vì vậy, châu Âu trở nên lúng túng trong việc tìm giải pháp cứu thỏa thuận hạt nhân khi một bên là áp lực từ đồng minh Mỹ, một bên là “tối hậu thư” của Iran. Các nhà quan sát cho rằng, khả năng cứu vãn JCPOA càng trở nên mong manh khi Iran tuyên bố đã làm giàu 24 tấn uranium kể từ khi tham gia thỏa thuận, nghĩa là vượt nhiều lần so với giới hạn, đồng thời tái khởi động lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak nằm cách thủ đô Tehran 320km về phía nam. Lò phản ứng nước nặng Arak cho phép Iran sản xuất plutonium sử dụng trong vũ khí hạt nhân. Còn Mỹ sau khi đơn phương rút khỏi JCPOA và áp đặt trừng phạt Iran vẫn giữ quan điểm cứng rắn. Thậm chí, giới phân tích cho rằng, chiến lược “gây sức ép tối đa” của Mỹ đang thất bại vì đẩy Iran gần với bom nguyên tử hơn.
“Khe cửa hẹp” và cũng là “tối hậu thư” mà Iran đặt ra cho những đối tác tham gia JCPOA: Trong 60 ngày, các nước này phải nhượng bộ để có một thỏa thuận mới, nếu không Tehran sẽ tiếp tục làm giàu uranium. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh, nước ông sẽ tiếp tục thu hẹp phạm vi tuân thủ cam kết trong JCPOA và chỉ đảo ngược quyết định khi các đối tác châu Âu đưa ra biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích Tehran. Trong khi đó, châu Âu rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và khó có thể đóng vai trò trung gian để xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, “khe cửa hẹp” đang dần đóng lại.
Một diễn biến khác góp phần làm JCPOA thêm nguy cơ đổ vỡ chính là việc Mỹ và Anh đều kêu gọi thành lập liên minh bảo vệ tàu ở vùng Vịnh sau những vụ bắt bớ tàu chở dầu. Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu triển khai tàu hộ tống các tàu của xứ sở sương mù và sứ mệnh hải quân châu Âu vốn do Anh đề xuất đang được Đan Mạch, Pháp, Ý hưởng ứng. Theo hãng tin Bloomberg, đây chỉ là sự khởi đầu. Việc ngăn chặn “mối đe dọa” từ Iran và bảo vệ an toàn các tàu ở vùng Vịnh đòi hỏi sự nỗ lực của quốc tế, quan trọng nhất là cần sự can dự của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, Washington sẽ thành công trong việc xây dựng kế hoạch an ninh hàng hải và “chúng tôi cần các quốc gia trên khắp thế giới hỗ trợ trong việc bảo vệ tuyến đường thương mại này”.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani mô tả, sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài là yếu tố chính làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Theo đó, nếu Anh tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu tại khu vực này thì xem như nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sẽ chính thức sụp đổ.
PHÚC NGUYÊN