Chuyến công du mang lại nhiều lợi ích

.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuyến công du châu Á trong 4 ngày vừa qua chú trọng thúc đẩy mối quan hệ với các nước nhiều hơn so với việc đạt được kết quả ngay tức thì. Song, chuyến đi này mang lại cho người đứng đầu Nhà Trắng nhiều lợi ích, nhất là khi ông sắp chính thức bước vào chiến dịch tái tranh cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện diện tại khu vực phi quân sự, ranh giới giữa hai miền Triều Tiên ngày 30-6. 	                                                                                                             Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện diện tại khu vực phi quân sự, ranh giới giữa hai miền Triều Tiên ngày 30-6. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Osaka (Nhật Bản) vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã “trình diễn ngoại giao” bằng hàng loạt cuộc gặp gỡ song phương với cả “những người  bạn” lẫn “những kẻ thù” trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, từ thỏa thuận hạt nhân Iran đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Sau những cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyep Erdogan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại cuộc họp báo trong khuôn khổ G20, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi thực sự có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người”.

Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ đến Hàn Quốc mang theo hy vọng có thể thể hiện “nghệ thuật bắt tay” mang tính lịch sử. Ông đã tạo bất ngờ khi mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Bàn Môn Điếm, khu vực phi quân sự ranh giới giữa hai miền Triều Tiên (DMZ), để gặp gỡ. Việc ông Trump bước qua giới tuyến chia cắt hai miền để vào lãnh thổ Triều Tiên tạo ra một bước tiến lớn trong quan hệ Mỹ - Triều.  

Đàm phán Mỹ - Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa bế tắc trong nhiều tháng qua kể từ hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Việt Nam. Song, nhìn lại những gì diễn ra vào ngày 30-6 có thể thấy ông Trump háo hức với hình ảnh lịch sử tại DMZ và hy vọng sự kiện này có thể giúp tái khởi động đàm phán, tạo đà hướng đến nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Lời mời hiếm hoi từ phía Tổng thống Mỹ cũng đánh dấu thắng lợi ngoại giao đáng kể đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người đang nỗ lực tìm kiếm sự công nhận trên trường quốc tế. Ông Trump đã thể hiện rõ việc xem ông Kim là bạn, bất chấp Triều Tiên mới đây nối lại việc thử tên lửa đạn đạo - động thái mà Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton chỉ trích rằng vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bởi vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có cơ sở khi cho rằng, cuộc gặp Trump - Kim tại DMZ có ý nghĩa lịch sử, hai bên cần tận dụng bầu không khí hòa giải và lạc quan này để tìm giải pháp giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tại Osaka, Tổng thống Mỹ dường như chuyển sang giọng điệu mềm mỏng hơn khi gặp mặt trực tiếp các lãnh đạo đồng minh mà ông từng chỉ trích. Gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Trump gạt sang một bên những lo ngại về chi tiêu quốc phòng của Berlin. Ông vừa cười, vừa nói với Tổng thống Putin rằng “xin đừng can thiệp vào bầu cử”, điều mà giới tình báo Mỹ lo ngại có thể xảy ra vào năm 2020.

Đánh giá về cuộc gặp với Tổng thống Nga, ông Trump nhận định: “Chúng tôi đã có các cuộc gặp tuyệt vời. Chúng tôi có quan hệ rất tốt và chúng tôi hy vọng có thể có khoảng thời gian tuyệt vời bên nhau. Có rất nhiều điểm tích cực trong mối quan hệ này”.

Ông Michael McFaul, Đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời Tổng thống Barack Obama bày tỏ: “Tôi thực sự không biết những mục tiêu của ông Trump”. Theo ông McFaul, một cuộc gặp tốt đẹp và mối quan hệ tích cực với Tổng thống Putin có thể là mục tiêu của ông Trump, bởi phát triển quan hệ song phương Nga - Mỹ có lợi không chỉ cho hai nước mà cho cả phần còn lại của thế giới.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng ca ngợi Thủ tướng nước chủ nhà Abe Shinzo vì đã đưa nhiều công ty ô-tô đến Mỹ và không còn tỏ ra hoài nghi về quan hệ đồng minh Washington- Tokyo. Hơn nữa, ông Trump còn có cuộc gặp “hơn cả mong đợi” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tuyên bố “đình chiến” thương mại, ông Trump nói: “Văn hóa Trung Quốc là nền văn hóa đáng kinh ngạc”, đồng thời gọi ông Tập là bạn.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Trump bất ngờ cho rằng Ankara “đúng” trong thương vụ mua S-400 của Nga và sẽ không có lệnh trừng phạt nào xung quanh vụ việc này. Người đứng đầu Nhà Trắng thậm chí lỗi cho người tiền nhiệm Barack Obama và nói rằng nước Mỹ dưới thời ông Obama lẽ ra nên đối xử với Thổ Nhĩ Kỳ như một đồng minh.

Những gì Tổng thống Trump mang đến G20 cùng những cuộc ngoại giao sau đó thực sự bất ngờ, khác với chính sách “nước Mỹ là trên hết” mà ông và đảng Cộng hòa vẫn theo đuổi. Dù sao đây cũng là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh căng thẳng và khủng hoảng xảy ra ở nhiều khu vực. Hơn nữa, những bước ngoại giao đầy lạc quan này có thể giúp ông Trump ghi điểm trong chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.