Thủ tướng Boris Johnson đang nỗ lực thuyết phục, thậm chí gây áp lực buộc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị kịch bản Brexit không thỏa thuận. Song, Hiệp hội Công nghiệp Anh (CBI) cho rằng, cả London lẫn EU đều không chuẩn bị cho một Brexit không thỏa thuận.
Thủ tướng Anh Boris Johnson giữ lập trường rời EU vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận. Ảnh: Getty Images |
Chính phủ của tân Thủ tướng Boris Johnson đang loay hoay với vấn đề Brexit khi chỉ còn gần 3 tháng nữa Anh phải rời EU nhưng khó có thể đạt được thỏa thuận mới. Ông Johnson đắc cử Thủ tướng vào tuần trước với cam kết đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10 dù có hay không có thỏa thuận. Song, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy ông có thể tháo gỡ được bế tắc xung quanh vấn đề Brexit vốn rối rắm và khiến người tiền nhiệm Theresa May phải từ chức.
Giờ đây, ông Johnson khẳng định, điểm mấu chốt là EU cần hủy bỏ “điều khoản rào chắn” gây nhiều tranh cãi - chính sách tạm thời giữ Anh ở lại liên minh hải quan với EU để chờ giải pháp tốt hơn nhằm ngăn chặn “biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh). Nhiều nghị sĩ Anh lo ngại “điều khoản rào chắn” ràng buộc nước này vào khuôn khổ quy định và các loại thuế của EU, theo đó không thể đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác hậu Brexit hoặc quá trình đàm phán sẽ phải chịu sự giám sát của EU. Trong các cuộc đàm phán sắp tới với EU, ông Johnson tập trung việc loại bỏ “điều khoản rào chắn”, vốn được nêu trong thỏa thuận mà liên minh ký với bà May hồi năm ngoái và thỏa thuận này đã bị Quốc hội Anh bác bỏ 3 lần. Nhà lãnh đạo này sẽ không chấp nhận bất kỳ phiên bản nào của kế hoạch dự phòng biên giới Ireland.
Ngày 29-7, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab xác nhận, quốc gia này sẽ tiếp tục gia tăng áp lực với EU để đạt thỏa thuận mới, nhưng khối gồm 28 thành viên cần thay đổi lập trường. Tuy nhiên, EU hiện vẫn giữ quan điểm không đàm phán lại về một thỏa thuận mới và cũng không xóa bỏ “điều khoản rào chắn”.
Đối với Thủ tướng Johnson, rời EU là một cơ hội kinh tế to lớn để thực hiện nhiều điều mà Anh không được phép tự quyết trong nhiều thập niên qua. Song, các doanh nghiệp cảnh báo, sẽ không thể ngăn được thiệt hại kinh tế nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Theo CBI - nhóm vận động hành lang doanh nghiệp lớn nhất của Vương quốc Anh, cả quốc gia này lẫn EU đều không chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. So với Anh, EU ít chuẩn bị hơn cho kịch bản “Brexit cứng”. CBI đưa ra hơn 200 đề xuất về các biện pháp phòng ngừa, trong đó kêu gọi chính phủ Anh đặt lĩnh vực dịch vụ dân sự trong tình trạng sẵn sàng để đáp ứng tình huống không thỏa thuận. Trong lúc đó, cơ quan giám sát tài chính của chính phủ Anh cho rằng, việc Brexit không thỏa thuận sẽ khiến giá trị đồng bảng giảm mạnh và đẩy Vương quốc này vào suy thoái.
Ông Johnson cũng đến thăm Scotland, chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng vào ngày 29-7, khi lãnh đạo đảng Bảo thủ của ông tại xứ này tuyên bố sẽ không ủng hộ Brexit không thỏa thuận. Thủ hiến Nicola Sturgeon nói rằng, Scotland sẽ bỏ phiếu rời Vương quốc Anh nếu việc “ly hôn” với “mái nhà chung” EU diễn ra trái với mong muốn của vùng lãnh thổ này. Lãnh đạo đảng Bảo thủ Scotland Ruth Davidson phản đối việc ly khai với Anh nhưng bà không ủng hộ việc rời EU mà không có thỏa thuận. “Tôi nghĩ chính phủ không nên theo đuổi Brexit không thỏa thuận và nếu điều này xảy ra thì tôi sẽ không ủng hộ”, bà Davidson viết trên tờ Scottish Mail.
Ông Johnson sẽ tiếp tục đến xứ Wales và Bắc Ireland để kêu gọi đoàn kết, chuẩn bị cho “tương lai tươi sáng thời hậu Brexit”. Song, các nhà quan sát cho rằng, chủ trương “Brexit hay là chết” của tân Thủ tướng đang gặp khó bởi những quan điểm khác nhau ngay trong chính các khu vực thuộc Vương quốc Anh. Vì vậy, thực hiện Brexit theo đúng thời hạn và bảo đảm các lợi ích của nước Anh, đối với ông Johnson, là sứ mệnh vô cùng khó khăn.
PHÚC NGUYÊN